KCNC Hòa Lạc tại huyện Quốc Oai, Thạch Thất, thành phố Hà Nội (1.586 ha); KCNC Đà Nẵng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng (1.010 ha); KCNC TP. Hồ Chí Minh (913 ha). Tổng diện tích đã đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các KCNC là 2.062 ha, bằng khoảng 59% tổng diện tích quy hoạch các KCNC (3.509 ha). Các KCNC đều đang trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ước tính nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng trên 43 nghìn tỷ đồng.
Tính đến nay KCNC Hòa Lạc có 73 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là 57.782,41 tỷ đồng, diện tích đất lấp đầy 355,47 ha. Trong đó có các dự án lớn như: dự án Trường Đại học FPT, dự án Khu phần mềm FPT của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Công nghệ FPT, dự án Trung tâm Công nghệ cao Viettel và Tổ hợp nghiên cứu thiết kế chế tạo sản xuất thiết bị viễn thông của Tập đoàn Viettel, dự án Trung tâm Vệ tinh Quốc gia sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản... Bên cạnh đó, một số dự án của Nhà nước cũng đang trong quá trình chuẩn bị triển khai hoạt động như: Dự án Nhà máy in tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Dự án Trường Đại học Việt - Nhật và Dự án Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội…
KCNC TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được 62 dự án đầu tư (còn hiệu lực), trong đó có 34 dự án trong nước và 28 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,535 tỷ USD. KCNC TP. Hồ Chí Minh đã thu hút thành công các tập đoàn, công ty công nghệ đa quốc gia lớn đầu tư sản xuất sản phẩm CNC như Intel (Hoa Kỳ), Nidec (Nhật Bản), Datalogic Scanning (Italia), Sonion (Đan Mạch), Jabil, Sanifo, … cũng như các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước như tập đoàn FPT, TMA Solutions, CMC Telecom, HPT, UVP… đều đã có dự án đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu USD trong KCNC.
Ban Quản lý KCNC Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án trong nước của Viện Kỹ thuật xây dựng hạ tầng với tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng và 2 dự án FDI sản suất CNC với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD (100% vốn Nhật Bản).
Bộ KH&ĐT đánh giá, mục tiêu của KCNC là tạo mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu và phát triển với hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật chưa hoàn thiện và ưu đãi đầu tư cho KCNC chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư có tiềm năng cho nên thu hút đầu tư vào KCNC, nhất là đầu tư nước ngoài, là hạn chế. Các KCNC cũng chưa tìm được hướng đi riêng, chưa có sự phối hợp trong xác định những lĩnh vực phát triển chiến lược nên mối liên kết, hợp tác giữa các KCNC chưa được phát huy.