Công ty CP Đầu tư và Bê tông Thịnh Liệt đang quản lý và sử dụng 2 lô đất lớn tại quận Hoàng Mai - TP. Hà Nội. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Với mức giá khởi điểm là 491 đồng/quyền mua, UDIC chỉ có thể thu về chưa đến 1 tỷ đồng và sẽ mất đi tiếng nói đáng kể tại Thinhliet CI.
Cổ đông nhà nước lặng lẽ rút lui
Thinhliet CI tiền thân là Công ty Bê tông và Xây dựng Thịnh Liệt - thành viên của UDIC được thành lập ngày 22/12/1992, với hoạt động chính là sản xuất các loại cấu kiện bê tông đúc sẵn… Công ty bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 17/5/2006.
Những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Công ty rất khó khăn, lỗ lũy kế đã lên đến 99,8 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ (40 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2019, Công ty còn nợ thuế nhà đất và tiền thuê đất tới 44,3 tỷ đồng.
Trước tình hình này, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công ty nếu không thanh toán tiền thuê đất sẽ bị thanh tra và có thể bị thu hồi đất. Để tránh xảy ra việc này, HĐQT Công ty trình Đại hội đồng cổ đông phương án tăng vốn điều lệ.
Tháng 5/2020, Đại hội đồng cổ đông Thinhliet CI đã thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng. Trước thời điểm tăng vốn, UDIC đang nắm giữ 1.571.400 cổ phần, tương đương 39,29% vốn, Tạ Thị Vân sở hữu 1.378.898 cổ phần (34,47%), Ngô Văn Tuấn nắm giữ 862.192 cổ phần (21,55%) và 187.510 cổ phần còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.
Với cơ cấu sở hữu như trên, số lượng cổ phần các cá nhân trên được quyền mua theo kế hoạch tăng vốn lần lượt là: UDIC 3.142.800 cổ phần, Tạ Thị Vân 2.757.796 cổ phần, Ngô Văn Tuấn 1.724.384 cổ phần và cổ đông nhỏ lẻ (375.020 cổ phần).
Trong trường hợp UDIC chuyển nhượng thành công quyền mua cổ phần hoặc không thực hiện quyền mua thì tỷ lệ sở hữu của UDIC tại Thinhliet CI sẽ giảm mạnh từ 39,29% xuống còn 13% nếu Thinhliet CI tăng được vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng như kế hoạch.
Thinhliet CI có gì?
Những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Công ty CP Đầu tư và Bê tông Thịnh Liệt rất khó khăn, lỗ lũy kế đã lên đến 99,8 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ (40 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2019, Công ty còn nợ thuế nhà đất và tiền thuê đất tới 44,3 tỷ đồng.
Dù kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả, nhưng Thinhliet CI đang quản lý và sử dụng lô đất 43.812,1 m2 tại ngõ 685 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Công ty đã hết thời hạn thuê đất khu đất này, đang tiến hành các thủ tục xin gia hạn hợp đồng thuê đất. Hiện tại, Công ty vẫn đang quản lý, sử dụng và nộp tiền thuê đất theo thông báo của cơ quan thuế.
Bên cạnh đó phải kể đến lô đất 58.067 m2 tại phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Công ty đã góp vốn hợp tác đầu tư cùng với các đối tác thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Vinawaco để thực hiện Dự án Khu chức năng đô thị Thịnh Liệt.
Dự án đã được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 5854/QĐ-UBND ngày 21/10/2016.
Quay trở lại với cổ đông lớn của Thinhliet CI, bà Tạ Thị Vân còn là chủ sở hữu của Công ty TNHH Phát triển nhà và đô thị Tân Đạt - doanh nghiệp đang hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Trung Yên nhằm thực hiện Dự án Khu đô thị An Thịnh 2 tại xã Dương Liễu và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Bà Vân cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng - chủ Dự án Khu nhà ở Ao Mơ tại phường Mai Động, phường Vĩnh Hưng - quận Hoàng Mai và phường Vĩnh Tuy - quận Hai Bà Trưng - TP. Hà Nội. Cổ đông sáng lập lớn nhất của Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng là Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex của doanh nhân Nguyễn Thị Loan - một nhà đầu tư bất động sản mới nổi với thương hiệu Vimefulland.