Tỷ phú chứng khoán và dấu ấn đổi mới sáng tạo

(BĐT) - Từ nhiều năm nay, danh sách tỷ phú thống lĩnh trên sàn chứng khoán Việt Nam đã quá quen thuộc với các ông chủ doanh nghiệp mảng bất động sản và tài chính. Trong 5 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán năm 2016 thì 3 người là đại gia bất động sản. 

Tuy vậy, năm 2017 ghi nhận sự xuất hiện thêm nhiều tỷ phú ở các ngành khác. Những tỷ phú giàu nhất, những gương mặt quen thuộc cũng có dự án làm mới mình mang tính đột phá, sáng tạo khá ấn tượng.

Phạm Nhật Vượng và cuộc chơi ô tô, bóng đá

Tỷ phú chứng khoán và dấu ấn đổi mới sáng tạo ảnh 1

Thống trị bảng xếp hạng tỷ phú Việt Nam vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC). Nổi danh từ kinh doanh bất động sản nhưng những năm gần đây, vị tỷ phú này đang triển khai nhiều dự án mới đầy tham vọng.

Nếu năm 2016, giới đầu tư từng xôn xao về việc Tập đoàn sẽ chi đến 300 tỷ đồng hỗ trợ trồng rau sạch thông qua Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco; thì đến năm 2017, dư luận lại được phen bất ngờ trước tuyên bố Tập đoàn Vingroup đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á.

Theo đó, HĐQT Vingroup đã thông qua quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Ngành nghề đăng ký hoạt động kinh doanh là sản xuất thân xe có động cơ, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ… với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Tổng mức đầu tư cho Dự án giai đoạn đầu là 35.000 tỷ đồng.

Việc Vingroup mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực sản xuất ô tô được đánh giá rất cao. Trong bài phát biểu tại Lễ khởi công Nhà máy Ô tô Vinfast, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận ý nghĩa lớn của Dự án khi không chỉ tạo ra sản phẩm Việt thông qua hợp tác với các hãng lớn trên toàn cầu, mà đi theo ô tô sẽ có hàng trăm xí nghiệp, nhà máy công nghiệp hỗ trợ.

Thông tin sản xuất ô tô được coi là chất xúc tác tốt với thị giá cổ phiếu VIC. Tính từ thời điểm Tập đoàn công bố sản xuất ô tô (khoảng đầu tháng 9/2017) đến hết năm 2017, thị giá VIC đã đạt mức 77.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng gần 56,5%.

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu VIC còn liên tục “phá đỉnh” khi chinh phục các mốc giá cao mới. Điều này đã khiến tổng tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam tăng lên đáng kể. Theo website của Forbes, tính đến ngày 2/2/2018, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã đạt 5,6 tỷ USD, xếp thứ 359 thế giới.

Nguyễn Thị Phương Thảo, cất cánh cùng “hãng hàng không bikini”

Tỷ phú chứng khoán và dấu ấn đổi mới sáng tạo ảnh 2

Năm 2017 cũng ghi nhận nữ tỷ phú đầu tiên lọt Top 5 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt - bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không VietJet (mã cổ phiếu VJC). Đặc biệt, các cổ phiếu mà nữ CEO này nắm giữ không thuộc hai nhóm ngành quen thuộc như bất động sản, khai thác tài nguyên, mà là ngành hàng không với Công ty CP VietJet Air (mã VJC) và mới đây nhất là Ngân hàng TMCP HDBank (mã HDB).

VietJet Air có lẽ đã quá quen thuộc với người Việt Nam và bè bạn quốc tế với cái tên “Hãng hàng không bikini”. Đây là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam được thành lập năm 2007 và cất cánh tháng 12/2011. Sau 5 năm, Vietjet Air đã chiếm 40% thị phần hàng không nội địa và mang lại hơn 1,2 tỷ USD doanh thu trong năm 2016. Hiện giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán của Vietjet Air là 1,8 tỷ USD.

Không chỉ với hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đóng vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank – mã cổ phiếu HDB). Bà đang nắm gần 36 triệu cổ phiếu HDB, tương đương tỷ lệ 3,6%.

Sự thành công của VietJet Air đã đưa bà Nguyễn Thị Phương Thảo “cất cánh”, trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách top người giàu theo bình chọn của Forbes. Việc HDBank lên sàn và tăng trưởng mạnh cũng khiến tổng tài sản của bà Thảo tăng mạnh.

Tính đến ngày 1/2/2018, giá cổ phiếu VJC đóng cửa ở mức 192.000 đồng, tăng 164% so với đầu năm 2017. Đồng thời, cổ phiếu HDB mới lên sàn đã tăng mạnh giúp tổng tài sản của vị nữ tỷ phú này gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu của Forbes, tính đến ngày 2/2/2018, giá trị tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đạt 3,3 tỷ USD, tăng thêm 175% so với thời điểm ngày 8/3/2017.

Nguyễn Đức Tài, từ thế giới di động đến bán thuốc

Tỷ phú chứng khoán và dấu ấn đổi mới sáng tạo ảnh 3

Dù chỉ lọt Top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng với quyết định… đi “bốc thuốc” qua con đường M&A, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) đã kịp ghi dấu ấn trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam.

Năm 2004, ông Nguyễn Đức Tài góp 700 triệu đồng để thành lập Công ty CP Thế Giới Di Động. Từ cửa hàng đầu tiên tại 89A Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), sau khoảng thời gian 13 năm, Thế Giới Di Động đã sở hữu gần 1.000 siêu thị.

Ngoài sự tăng trưởng vượt bậc của thương hiệu Thế Giới Di Động, ông Tài và những cộng sự của mình cũng rất thành công với chuỗi siêu thị Điện máy Xanh. Riêng trong năm 2017, Điện máy Xanh đã mở thêm tới 142 siêu thị mới. Tổng cộng cả 2 hệ thống bán lẻ điện thoại và điện máy, ông Tài và các cộng sự đang nắm giữ trong tay gần 1.200 siêu thị, vươn lên trở thành một trong 3 công ty hàng đầu Việt Nam về bán lẻ thiết bị gia dụng và điện tử, giá trị thương hiệu ước đạt hơn 1 tỷ USD.

Trong năm 2017, Thế Giới Di Động đã có bước đi táo bạo mới với chuỗi cửa hàng bán dược phẩm thông qua M&A. Đây được coi là “nước cờ” mới của Thế Giới Di Động trong bối cảnh thị trường bán lẻ điện thoại di động đang dần đi đến điểm bão hòa. Trước đó, doanh nghiệp này từng quyết định đi bán rau, củ, quả và trái cây với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Hiện tại, ông Nguyễn Đức Tài đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp hơn 46 triệu cổ phiếu MWG, với giá đóng cửa ngày 1/2/2018 là 134.200 đồng, tổng tài sản của vị tỷ phú này đạt hơn 6.200 tỷ đồng.

Chuyên đề