Tỷ giá biến động: Đừng quá lo lắng!

(BĐT) - Khoảng 10 ngày trở lại đây, thị trường ngoại hối lên “cơn sốt” khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm. Theo NHNN, đây là điều bình thường và phù hợp với xu hướng tăng của tỷ giá trung tâm. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vậy điều gì đang chi phối thị trường nhạy cảm này và tỷ giá sẽ biến động ra sao trong thời gian tới?.

Tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát

Giới phân tích nhận định, đợt biến động này diễn ra sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng USD nhanh chóng tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt. Cùng đó, đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh. Ngoài ra, cuối năm luôn là thời điểm cầu ngoại tệ từ các doanh nghiệp trong nước tăng cao để phục vụ mục đích thanh toán.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, biến động tỷ giá những ngày qua có nguyên nhân từ yếu tố tâm lý. Cuối năm hay dồn cầu về thanh toán nên các doanh nghiệp, cá nhân nghĩ đến dự trữ ngoại tệ. Nhưng những điều này chỉ là tức thời. Bên cạnh đó, các đồng ngoại tệ khác mất giá vì đồng USD lên nên tỷ giá nhích lên cũng rất bình thường. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cũng nhận định, từ nay đến cuối năm, thậm chí sang cả đầu năm 2017, tỷ giá của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xu thế ổn định, và thích ứng ngày càng tốt hơn với các cú “shock” từ bên ngoài. 

Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nhìn nhận, hoạt động mua bán ngoại tệ của khách hàng trong thời gian gần đây vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng mua trước ngoại tệ, găm giữ hay đầu cơ như trước đây.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định, thực tế, thanh khoản thị trường vẫn tốt, cung cầu ngoại tệ bình thường, không có nhu cầu đột biến. Từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ về cơ bản vẫn thuận lợi do các dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối tiếp tục là nguồn cung quan trọng cho thị trường. Việc NHNN cho phép gia hạn các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN đến hết năm 2017 cũng là yếu tố thuận lợi cho sự ổn định của thị trường và tỷ giá.

Ông Thành cũng phân tích, trường hợp Fed tăng lãi suất vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 thì cũng có thể không có tác động lớn đối với thị trường ngoại tệ và tỷ giá vì dòng vốn vào Việt Nam chủ yếu là FDI, khó đảo chiều trong ngắn hạn. Còn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có quy mô nhỏ nên khó tác động được đến thị trường trong nước. 

Nắm giữ VND vẫn có lợi hơn

Dự trữ ngoại tệ hiện nay khá dồi dào và luôn sẵn sàng với khoảng 41 tỷ USD, gấp 6 - 7 lần so với 10 năm trước. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa cần đến nguồn lực này, vì cách điều hành tỷ giá trung tâm đang rất khoa học. Ngoài ra, nguồn kiều hối trong năm nay được dự báo tăng khá, dự kiến đạt 14 tỷ USD. Lãi suất huy động USD là 0%, nên việc găm giữ ngoại tệ giảm mạnh và nắm giữ VNĐ vẫn có lợi hơn.
Giá “đồng bạc xanh” đã được các ngân hàng đồng loạt nâng thêm tới hơn 200 đồng trong khoảng hơn 1 tuần qua. Đây là điều hiếm thấy trong thời gian qua và khiến người dân băn khoăn đây có phải thời điểm để nắm giữ USD thay vì VND?

Tiến sỹ Cấn Văn Lực phân tích, trước thời điểm ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, thì đồng VND không những không mất giá mà còn tăng khoảng 0,7%. Vậy thời điểm hiện nay, đồng VND mất giá cứ cho là 1% đi thì bù qua, bù lại có thể thấy từ đầu năm đến giờ VND là khá ổn định. “Bây giờ, nếu gửi tiền VND với kỳ hạn là 12 tháng thì lãi suất vẫn được 6%, trong khi đó USD là 0%. Rõ ràng, nếu nắm giữ VND thì chúng ta vẫn là người thắng cuộc, trong tình huống lạm phát là 5%” - ông Lực tính toán.

Ông Phạm Thanh Hà cũng nhận định, diễn biến thời gian qua cho thấy, thị trường đã tự xử lý, điều tiết. Với những cơ sở như vậy, nên có thể nhận thấy, đợt tỷ giá biến động này, NHNN vẫn chưa phải can thiệp hay áp dụng biện pháp bình ổn nào. Và người nắm giữ VND vẫn đang có lợi hơn so với găm giữ ngoại tệ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hưởng cũng cho rằng, dự trữ ngoại tệ hiện nay khá dồi dào và luôn sẵn sàng với khoảng 41 tỷ USD, gấp 6 - 7 lần so với 10 năm trước. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa cần đến nguồn lực này, vì cách điều hành tỷ giá trung tâm đang rất khoa học. Ngoài ra, nguồn kiều hối trong năm nay được dự báo tăng khá, dự kiến đạt 14 tỷ USD. Lãi suất huy động USD là 0%, nên việc găm giữ ngoại tệ giảm mạnh và nắm giữ VNĐ vẫn có lợi hơn.

Chuyên đề