Ảnh Internet |
Lo ngại tác động xấu đến xuất khẩu thép
Ngày 1/3/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố dự kiến trong tuần này sẽ áp dụng thuế suất nhập khẩu bổ sung 25% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ cho tất cả các quốc gia. Trước đó, ngày 16/2/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) phối hợp với Nhà Trắng công bố báo cáo các cuộc điều tra đánh giá tác động đối với an ninh quốc gia từ việc nhập khẩu các sản phẩm thép, nhôm thô và nhôm chưa gia công. Báo cáo khẳng định, thép và nhôm nhập khẩu "đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia" nên có khả năng DOC sẽ áp thuế nhập khẩu với mức tối thiểu 24% đối với thép từ tất cả các quốc gia. Cụ thể là 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ bị áp thuế tới 53%.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nếu Mỹ áp dụng biện pháp như đã đề xuất sẽ ảnh hưởng rất xấu đến ngành thép Việt Nam. Bởi khả năng xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ sẽ rất hạn chế, nếu như không nói là rất khó khăn.
Theo VSA, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam vào Mỹ chỉ đạt 445 triệu USD, chiếm trên 1,6% tổng lượng nhập khẩu thép của thị trường này.
Cho rằng DOC áp thuế suất nhập khẩu bổ sung sẽ có thể tác động đến Việt Nam, ông Sưa phân tích: “Hiện ngành thép Việt Nam phải nhập khẩu khá lớn nguyên liệu và bán thành phẩm từ nước ngoài để sản xuất trong nước. Giá nguyên vật liệu sản xuất thép đang theo xu hướng tăng, do đó trong ngắn hạn có thể giá thép tăng, nhưng về trung và dài hạn là khó dự đoán vì còn phụ thuộc vào phản ứng thực tế của các nước dự kiến bị Mỹ hạn chế nhập khẩu”.
Về phía DN, ông Lê Thành Thực, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty CP Thương mại Thái Hưng - DN chuyên sản xuất kinh doanh thép nhận định, hoạt động xuất khẩu chắc chắn sẽ bị tác động, cả trực tiếp và gián tiếp. Về tác động trực tiếp, ông Thực cho rằng sẽ không đáng kể khi sản lượng thép xuất khẩu thực tế của DN Việt Nam sang thị trường Mỹ không lớn. Tuy nhiên, nguy cơ tác động gián tiếp là rất lớn. “Nhiều nước như Indonesia, Philippines… đang có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ, nhưng khi Mỹ hạn chế nhập khẩu thì sản phẩm thép của nhiều nước sẽ không thể vào được thị trường này và có thể quay lại cạnh tranh giành thị trường với DN xuất khẩu thép Việt Nam”, ông Thực cảnh báo.
Ứng phó giảm thiểu rủi ro
Trước tuyên bố trên của Mỹ, VSA đang có nhiều động thái hỗ trợ các DN sản xuất thép đấu tranh mạnh mẽ với hành động áp đặt này. Đặc biệt, trong một phát ngôn mới đây, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, ngành thép Việt Nam cân nhắc chuyện có thể kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại thế giới.
Trước đó, ngay sau khi DOC khởi xướng điều tra theo quy định tại Mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 nhằm xác định sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ có làm suy yếu an ninh quốc gia của nước này hay không, ngày 17/5/2017, VSA cùng các DN nhất trí thành lập tổ công tác của Hiệp hội về vấn đề này với sự tham gia của nhiều DN xuất khẩu thép lớn như: Tôn Phương Nam, Hòa Phát, Hoa Sen…
Ngày 1/3/2018, VSA và các DN thép đã có buổi làm việc với Cục Phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương để có biện pháp phối hợp hiệu quả. Ngay sau đó, VSA đã có Công văn số 06/2018/HHTVN gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan về việc hỗ trợ DN xuất khẩu thép giảm thiểu thiệt hại do các biện pháp hạn chế nhập khẩu mà Mỹ dự định áp dụng.
Đặc biệt, sau tuyên bố của Tổng thống Trump ngày 2/3/2018 (theo giờ Việt Nam) về việc sẽ áp thuế suất 25% cho toàn bộ sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ, VSA cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước để có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu rủi ro cho DN.
Cũng sau tuyên bố trên, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, năm nay, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước và châu Á. Đối với Công ty CP Thương mại Thái Hưng, theo ông Thực, DN có thị trường lớn, nếu thị trường xuất khẩu không thuận lợi thì sẽ đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước.