Tùy tiện trong áp dụng hình thức đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù pháp luật về đấu giá quy định có 4 hình thức đấu giá nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức đấu giá tài sản đưa ra hình thức đấu giá không có trong quy định của pháp luật. Có những tài sản đã được thông báo đấu giá, công khai quy chế đấu giá nhưng hình thức đấu giá vẫn chưa được công bố.
Nhiều tài sản đã được thông báo đấu giá, công khai quy chế đấu giá nhưng hình thức đấu giá vẫn chưa được quy định cụ thể. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhiều tài sản đã được thông báo đấu giá, công khai quy chế đấu giá nhưng hình thức đấu giá vẫn chưa được quy định cụ thể. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Theo Luật Đấu giá tài sản, có 4 hình thức đấu giá được quy định gồm: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến. Trong đó, hình thức đấu giá tài sản phải được quy định trong quy chế cuộc đấu giá và công bố công khai cho người tham gia đấu giá biết.

Khảo sát một số thông báo đấu giá được các tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS) công khai, nhiều thông báo đưa ra hình thức đấu giá không có trong quy định của pháp luật. Đơn cử, Công ty Đấu giá hợp danh Tây Bắc - Việt Nam thông báo đấu giá quyền sử dụng đất một số khu vực thuộc Trung tâm hành chính huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La năm 2021 (giá khởi điểm 54,4 tỷ đồng) vào tháng 9/2021. Cuộc đấu giá được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp 1 vòng và 2 vòng trực tiếp.

Theo chuyên gia đấu giá, pháp luật về đấu giá tài sản hiện không quy định các hình thức đấu giá như: “trả giá gián tiếp”, “đấu giá bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá”. TCĐGTS cần thỏa thuận với người có tài sản lựa chọn một trong 4 hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật.

Một trường hợp khác, thông báo đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại huyện Tân Yên, Bắc Giang đưa ra hình thức đấu giá tài sản là “đấu giá bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá”.

Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Đông Nam vừa thông báo bán đấu giá lô tài sản thanh lý gồm tàu kéo, tàu cao tốc chở khách, xe đầu kéo, xe mô tô… của một đơn vị tại TP.HCM. Trong thông báo đấu giá, hình thức đấu giá tài sản là “đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá trực tuyến”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc Công ty Đấu giá hợp danh Đông Nam cho biết, tùy vào điều kiện cụ thể về phòng chống dịch bệnh Covid-19 (số lượng người tham gia đấu giá), TCĐGTS sẽ thống nhất với người có tài sản quyết định hình thức tiến hành cuộc đấu giá và thông báo đến khách hàng khi hết thời hạn đăng ký.

Trong thời gian thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, Báo Đấu thầu ghi nhận phản ánh về tình trạng một số thông báo đấu giá đưa ra hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, tuy nhiên TCĐGTS lại chuyển đổi hình thức thành “trả giá gián tiếp”, hoặc thông qua các ứng dụng như Zoom, Zalo, Gmail, Google Meet…

Theo chuyên gia đấu giá, pháp luật về đấu giá tài sản hiện không quy định các hình thức đấu giá như: “trả giá gián tiếp”, “đấu giá bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá”. TCĐGTS cần thỏa thuận với người có tài sản lựa chọn một trong 4 hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật để tiến hành cuộc đấu giá. Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá phải được quy định trong quy chế đấu giá và công bố công khai cho người tham gia đấu giá biết.

Chuyên gia này cho rằng, nếu đưa ra 2 hình thức bán đấu giá tài sản có cách thức thực hiện khác biệt trong thông báo đấu giá, hình thức đấu giá chưa rõ ràng ngay từ đầu sẽ khiến người tham gia đấu giá khó chủ động trong việc đấu giá. Bởi quy trình đấu giá trực tiếp và trực tuyến được thực hiện theo quy trình thủ tục khác nhau.

Chuyên đề