Ảnh Internet |
Tư tưởng chủ đạo là tích hợp
Bày tỏ quan điểm của mình, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, tư tưởng chủ đạo của Luật Quy hoạch là tích hợp các quy hoạch rời rạc thành quy hoạch thống nhất, mang tính định hướng chung, thống nhất để tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch khác nhau. Để đạt được mục tiêu đó của Luật Quy hoạch thì phương án lý tưởng nhất là thực hiện tích hợp tất cả các nội dung cần quy hoạch thành một bản quy hoạch duy nhất. Trên đó, thể hiện đầy đủ các định hướng chiến lược phát triển dài hạn vào các mô hình, các phân kỳ cho từng giai đoạn. Đồng thời, thể hiện chi tiết đầy đủ các yếu tố kỹ thuật của từng chuyên ngành ứng với từng mô hình cũng như từng giai đoạn phát triển. Như vậy, chỉ cần một bản quy hoạch duy nhất không cần phải có đến các quy hoạch chuyên ngành hay quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác.
Tuy nhiên, bên cạnh quy hoạch chung vẫn phải có quy hoạch ngành và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành như Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch (Dự thảo Luật) quy định, thấy bản quy hoạch duy nhất mà được nói tới bên trên thì ý tưởng rất khó thực hiện bởi có quá nhiều các loại thông tin khác nhau, cần được thể hiện dưới các hình thức biểu diễn khác nhau và cũng phải được thể hiện ở các tầng lớp thông tin khác nhau. Đó cũng là lý do mà chúng ta thấy không thể có một quy hoạch chung mà vẫn phải có các quy hoạch ngành và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành nhưng đồng thời phải đảm bảo tính tích hợp thống nhất như Luật Quy hoạch quy định.
Liên quan đến quan điểm tích hợp khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai được quy định tại Điều 6 của Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, để bảo đảm sự phát triển đồng bộ, cân đối nhu cầu sử dụng đất giữa các ngành, việc tích hợp quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh đã được thể hiện trong Luật Quy hoạch và phù hợp với quy định của Luật Đất đai hiện hành.
“Việc lập thêm phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh là không cần thiết. Mặt khác, Luật Quy hoạch không có quy định về phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh. Do đó, đề nghị bỏ quy định về phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh tại dự thảo luật” – đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.
Đề nghị ban hành nghị định về tích hợp quy hoạch
Đại biểu Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ quan điểm, việc tích hợp quy hoạch không cản trở tính kỹ thuật chi tiết của từng phương án quy hoạch, của các ngành được tích hợp. Thực chất các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực vẫn là chủ thể lập phương án quy hoạch. Nội dung của từng quy hoạch vẫn do chủ thể đó chuẩn bị, nên nội dung đó mang tính kỹ thuật chuyên ngành của từng ngành vẫn được phản ánh trong quy hoạch tích hợp.
“Vấn đề là Chính phủ cần sớm ban hành nghị định quy định chi tiết về việc tích hợp theo quy định của Luật Quy hoạch để các bộ, ngành địa phương sớm triển khai” – đại biểu Thức đề xuất.
Bày tỏ quan điểm của mình, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nhấn mạnh, nguyên tắc tích hợp là nguyên tắc hết sức quan trọng trong Luật Quy hoạch. Với nguyên tắc này, chúng ta giảm được được số lượng quy hoạch trong một khu vực đi đáng kể. Ví dụ, quy hoạch tỉnh, nếu không sử dụng phương pháp tích hợp thì phải thành lập và xây dựng rất nhiều quy hoạch như hiện nay chúng ta đang làm. Trong quy hoạch tỉnh, đã có các phương án cho nhiều nội dung cụ thể và phương án này là những cơ sở để xây dựng các quy hoạch đô thị nông thôn cũng trong quy hoạch tỉnh, nằm trong địa bàn tỉnh. Quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện và quy hoạch khu chức năng, tất cả những quy hoạch này nằm trong một địa bàn của tỉnh.
Do đó, đại biểu này rất đồng thuận với quan điểm và nguyên tắc tích hợp của Luật Quy hoạch và nhấn mạnh, tất cả những cái gì trong quá khứ chúng ta làm đều mục đích tốt nhưng đến bây giờ nó không phù hợp thì cần phải sửa đổi, cần phải hoàn thiện. Như vậy, mới thúc đẩy đất nước chúng ta phát triển được. Còn nếu cứ cố giữ những cái gì mà không phù hợp nữa, chắc chắn không thể phát triển, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được.