Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet |
Cụ thể, tại Nghị quyết số 10/NQ-CP, Chính phủ giao các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan tổng kết các mô hình tự chủ để đề xuất đề án tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở y tế.
Nghị quyết nêu rõ, thời hạn các bộ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ là trước 28/2/2023.
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế tập trung triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cơ chế tự chủ trong các cơ sở khám, chữa bệnh, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh, thu hút nguồn lực xã hội. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, Bộ Y tế cần khẩn trương hướng dẫn, bảo đảm lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.
Trước đó, vào ngày 3/2/2023, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Quyền Chủ tịch nước về Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào ngày 9/1/2023.
Một trong những nội dung mới của Luật là bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó khẳng định: “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao. Đồng thời, bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được: Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.
Cũng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.
Để đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương triển khai Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội, Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ và tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn vật tư, thiết bị, thuốc chữa bệnh của các cơ sở y tế.
Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế vừa công bố Danh mục 8.900 thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội (Đợt 1).