Hội nghị này, nơi các DN, doanh nhân được trình bày các khó khăn, vướng mắc, cũng như các kiến nghị, đề xuất trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Tường Lâm |
Đây là hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước lần thứ hai của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được tổ chức trong nhiệm kỳ Chính phủ của Quốc hội khóa XIV.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội nghị này được cộng đồng DN xác định là quan trọng nhất trong năm nay, nơi các DN, doanh nhân được trình bày các khó khăn, vướng mắc, cũng như các kiến nghị, đề xuất trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung chính của Hội nghị là nhằm sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, đề xuất những giải pháp để thực hiện có hiệu quả hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết.
Để chuẩn bị cho Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị các bộ, ban, ngành và một số cơ quan liên quan thực hiện một số công việc cụ thể. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao hoàn thiện báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và chuẩn bị dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết này gửi về Văn phòng Chính phủ; chuẩn bị danh sách 200 đại biểu là các hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài, một số định chế tài chính lớn và đại sứ quan, đề xuất danh sách đại biểu phát biểu tại Hội nghị...
Còn VCCI được giao hoàn thiện báo cáo về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP gửi về Văn phòng Chính phủ. Nội dung của Báo cáo sẽ tập trung vào một số vấn đề như: sơ kết tình hình hoạt động của hiệp hội DN và DN hội viên sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP; đánh giá về các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh; trình bày các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, hiến kế các giải pháp... VCCI cũng được giao chuẩn bị danh sách 1.200 đại biểu DN, hiệp hội DN và hợp tác xã, đề xuất danh sách đại biểu phát biểu tại Hội nghị; phối hợp với Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, Văn phòng Chính phủ trong việc tổ chức Hội nghị và triển khai công tác hậu cần kỹ thuật liên quan.
Trước đó, hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2016 (29/4/2016) với chủ đề “DN Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước” với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ các DN dân doanh, 50 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội DN như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc... Tại hội nghị này, Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy phát triển DN cả về số lượng và chất lượng, cùng với các giải pháp xây dựng thể chế tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như kiến nghị của DN... Cam kết này đã được Chính phủ hiện thực hóa ngay sau đó bằng Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020.
Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, trong 4 tháng qua, cả nước đã có thêm 39.580 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14% về số DN và tăng gần 49% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung cả vốn đăng ký của DN thành lập mới và vốn tăng thêm của DN trong 4 tháng qua, tổng vốn vào nền kinh tế đạt 825.332 tỷ đồng. Trung bình mỗi DN đạt 9,3 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2015.