Đô đốc Trung Quốc Sun Jianguo (trái) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter (phải) - Ảnh: SCMP. |
Trước sức ép của Mỹ đòi Trung Quốc giảm hoạt động trên biển Đông, Bắc Kinh tiếp tục đơn phương đòi chủ quyền đối với hầu hết vùng biển này và nói “không sợ rắc rối”.
Theo tin từ Reuters, ngày 5/6, ngày cuối cùng của diễn đàn an ninh mang tên Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore, đô đốc Sun Jiango của Trung Quốc nói nước này sẽ “không thể bị đe dọa“ trong vấn đề biển Đông, ngay cả trong vụ Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan.
“Chúng tôi không gây rắc rối, nhưng chúng tôi cũng không sợ rắc rối”, ông Sun nói ở Shangri-La, nơi có hơn 600 đại biểu là quan chức an ninh, quân đội và chính phủ tới tham dự diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất châu Á.
“Trung Quốc sẽ không gánh chịu hậu quả hay cho phép bất kỳ sự xâm phạm nào đối với chủ quyền và lợi ích an ninh của mình, hay thờ ơ trước việc một số quốc gia gây rối trên biển Đông”, đô đốc Trung Quốc tuyên bố.
Trước đó, vào hôm 4/6 cũng tại Shangri-La, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter cảnh báo Trung Quốc không nên tự cô lập mình trên trường quốc tế, đồng thời cam kết Mỹ sẽ tiếp tục là người bảo đảm chính cho an ninh ở châu Á trong những thập kỷ tới.
Tuy nhiên, đô đốc Sun đã phủ nhận cảnh báo trên của người đứng đầu Lầu Năm Góc, nói rằng nhiều nước châu Á có mặt tại diễn đàn đang tỏ ra “ấm áp hơn” và “thân thiện hơn” với Trung Quốc so với cách đây một năm. Tại Shangri-La năm nay, Trung Quốc có 17 cuộc gặp song phương, so với 13 cuộc gặp song phương tại diễn đàn 2015.
Trong chuyến thăm Mông Cổ ngày 5/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Bắc Kinh không mở một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông hồi năm 2013.
Ông Kerry nói một ADIZ sẽ là “một hành động gây hấn và gây bất ổn” và đặt ra những câu hỏi xung quanh cam kết của Bắc Kinh về quản trị tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp ngoại giao.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới thăm Trung Quốc sau khi thăm Mông Cổ. Theo dự kiến, biển Đông sẽ là một chủ đề lớn trong cuộc đối thoại cấp cao thường niên Mỹ-Trung bắt đầu tại Bắc Kinh ngày 6/6. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jack Lew cũng sẽ tham dự cuộc đối thoại này.
Về phán quyết sắp tới của tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đô đốc Sun tiếp tục luận điệu rằng Bắc Kinh không công nhận quyền tài phán của tòa án này.
Ông nói Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp với Philippines thông qua đàm phán song phương, và nói nước này đang để ngỏ cánh cửa đối thoại với Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte của Philippines.
Tại Đối thoại Shangri-La, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cảnh báo nếu không được giải quyết, căng thẳng gia tăng có thể dẫn tới những hậu quả khó lường.
Hầu hết các quốc gia tham dự Đối thoại Shangri-La đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.