Trung Quốc có thể đã biên chế tiêm kích tàng hình J-20

Số hiệu và dải phản quang trên đuôi tiêm kích tàng hình J-20 cho thấy loại máy bay hiện đại này nhiều khả năng đã được biên chế vào không quân Trung Quốc.
Trung Quốc có thể đã biên chế tiêm kích tàng hình J-20

Những hình ảnh chụp tiêm kích tàng hình J-20 vừa được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy nước này nhiều khả năng đã biên chế chính thức loại chiến đấu cơ thế hệ 5 này vào Không quân Trung Quốc (PLAAF), Sina ngày 7/12 đưa tin.

Một bức ảnh chụp đuôi tiêm kích J-20 cho thấy số hiệu 78271. Chỉ các máy bay đang được các đơn vị không quân vận hành mới mang số hiệu nhận dạng kiểu này.

Bên cạnh đó, phần đuôi đứng của máy bay cũng được sơn các dải băng phản quang để giúp phi công tránh đâm vào nhau trong quá trình bay biên đội ban đêm. Những bản thử nghiệm J-20 trước đây hoàn toàn không có đặc điểm này.

Nếu được xác nhận, PLAAF sẽ trở thành lực lượng thứ hai trên thế giới đưa tiêm kích thế hệ 5 vào biên chế chính thức, chỉ sau Mỹ với mẫu F-22 và F-35.

Các dòng máy bay tàng hình thế hệ 5 khác như PAK-FA của Nga, Mitsubishi X-2 Shinshin của Nhật hay KFX-201 của Hàn Quốc vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm. Không quân Nga dự kiến biên chế tiêm kích PAK-FA vào năm 2018.

J-20 được quảng bá là mẫu máy bay thế hệ 5 tối tân do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất, có khả năng đọ sức ngang ngửa cùng các tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ.

J-20 mang tới cho PLAAF khả năng thực hiện nhiệm vụ tấn công tầm xa nhằm vào hàng loạt căn cứ không quân, tàu sân bay, máy bay cảnh báo sớm và tiếp dầu của đối phương. Đây đều là những thành phần quan trọng để Mỹ và đồng minh triển khai sức mạnh quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với Mỹ, J-20 tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng nếu xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan hoặc nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ngoài ra, J-20 sẽ tạo nên sự xoay chuyển rất lớn trong cán cân quân sự tại khu vực Đông Á, giúp Trung Quốc có lợi thế trước Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dù J-20 có nhiều đặc điểm của máy bay thế hệ thứ 5, Bắc Kinh vẫn chưa thể làm chủ công nghệ chế tạo động cơ và hệ thống điện tử phức tạp, buộc họ phải đặt mua 24 tiêm kích Su-35S của Nga.

Động cơ Saturn AL-41F1S, radar Irbis-E và hệ thống thiết bị tác chiến điện tử của Su-35S là yếu tố Trung Quốc đang rất thèm muốn.

Truyền thông Trung Quốc tung hô J-20 là một "tuyệt tác" của ngành hàng không quân sự nước này, có thể đánh bại tiêm kích tàng hình hiện đại F-22 của Mỹ.

Tuy nhiên, nếu J-20 thực sự mạnh như quảng bá, Trung Quốc chắc hẳn đã không phải ký hợp đồng mua tiêm kích thế hệ 4 của Nga như vậy, cây bút Dave Majumdar của National Interest nhận định.

Biên đội J-20 biểu diễn tại triển lãm hàng không Chu Hải diễn ra đầu tháng 11.

Chuyên đề