Trung Quốc cân nhắc kích thích kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bloomberg, Trung Quốc có thể chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách năm 2023 khi chính phủ nước này chuẩn bị tung ra một đợt kích thích mới nhằm giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, Bloomberg dẫn lời một nguồn tin cho biết, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cân nhắc việc "bơm" thêm ít nhất 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (137 tỷ USD) để tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Điều này có thể khiến thâm hụt ngân sách của chính phủ nước này vượt quá mức trần 3% GDP được đặt ra hồi tháng 3 năm nay.

Các cuộc thảo luận gần đây đều nhấn mạnh đến mối lo ngại ngày càng tăng của giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc về quỹ đạo của nền kinh tế và mức độ tăng trưởng so với Mỹ. Đây sẽ là cột mốc đánh dấu sự thay đổi trong lập trường của Bắc Kinh, bởi cho đến nay, Trung Quốc vẫn tránh kích cầu trên diện rộng bất chấp cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản ngày càng sâu sắc và áp lực giảm phát khiến mục tiêu đạt mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023 gặp rủi ro.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang Lasalle Inc, cho biết: "Việc phát hành thêm nợ từ chính quyền trung ương có thể cung cấp thêm nhiều nguồn lực hơn để thúc đẩy quá trình phục hồi mạnh hơn và nhanh hơn". Theo ông Bruce Pang, câu chuyện phục hồi của Trung Quốc có thể giống như một "cuộc đua tiếp sức", ban đầu được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng trước khi "hy vọng" được thúc đẩy bởi chi tiêu của các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã gây sức ép lên mọi thứ, từ cổ phiếu các công ty trong nước cho đến giá cả hàng hóa và kết quả kinh doanh của các công ty đa quốc gia như Nike Inc. và LVMH.

Trung Quốc từ lâu đã cố gắng duy trì tỷ lệ thâm hụt ngân sách chính thức - không bao gồm trái phiếu đặc biệt hoặc nợ vay từ các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương - dưới 3% GDP để kiểm soát rủi ro tài chính.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi nới lỏng giới hạn thâm hụt ngân sách từ các tổ chức nghiên cứu thuộc nhà nước và giới kinh tế tại các công ty toàn cầu ngày càng nhiều hơn trong những năm gần đây khi căng thẳng tài chính gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm tốc.

Theo Xiaojia Zhi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Credit Agricole CIB, quy mô của đợt kích cầu đang được thảo luận chỉ ở mức "khiêm tốn" - khoảng 0,7% GDP. "Nhưng kế hoạch này gửi đi thông điệp tích cực. Đó là sự cân nhắc hợp lý trong bối cảnh nhu cầu tư nhân yếu, điều kiện tài chính địa phương thắt chặt và suy thoái đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ của chính quyền trung ương vẫn ở mức thấp", bà Xiaojia Zhi nhận xét.

Trong những tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã có một số động thái kích thích nền kinh tế như: hạ lãi suất cơ bản, nới các quy định về mua nhà và hỗ trợ người tiêu dùng, cho phép các chính quyền địa phương hỗ trợ thêm trái phiếu đặc biệt...

Trong khi một số lĩnh vực đã có những dấu hiệu ban đầu về sự phục hồi, triển vọng kinh tế nói chung vẫn chưa chắc chắn. Doanh số bán nhà tiếp tục giảm và sự phục hồi tiêu dùng trong nước chậm hơn dự kiến trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh, cho thấy niềm tin đã bị suy giảm đang cản trở các hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân chi tiêu.

Giới kinh tế đã nhiều lần cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống còn 5%, bằng mục tiêu chính phủ nước này đặt ra hồi tháng 3.

Theo Bloomberg, nền kinh tế tiếp tục giảm tốc sẽ tạo thêm áp lực mất giá lên đồng Nhân dân tệ vốn đang suy yếu của Trung Quốc, khiến dòng vốn chảy ra khỏi nước này và khiến thị trường tài chính có nguy cơ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Tăng trưởng kinh tế ì ạch cũng có nghĩa là có ít việc làm mới được tạo ra, khiến tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.

Chuyên đề