Những rắc rối trong nền kinh tế Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế bằng cách đầu tư vào các nhà máy, tòa nhà chọc trời và đường sá. Mô hình này đã "châm ngòi" cho một giai đoạn tăng trưởng phi thường giúp Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo và trở thành một "gã khổng lồ" toàn cầu với năng lực xuất khẩu rộng khắp thế giới.
Sự bùng nổ của Trung Quốc được củng cố bởi mức đầu tư trong nước vào cơ sở hạ tầng và các tài sản vật chất khác cao bất thường, chiếm trung bình khoảng 44% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2018 - 2021. Ảnh: Internet
Sự bùng nổ của Trung Quốc được củng cố bởi mức đầu tư trong nước vào cơ sở hạ tầng và các tài sản vật chất khác cao bất thường, chiếm trung bình khoảng 44% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2018 - 2021. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, những gì từng hiệu quả khi Trung Quốc tìm cách bắt kịp các nền kinh tế lớn khác giờ đây không còn ý nghĩa khi quốc gia này đang chìm trong nợ nần và cạn kiệt mọi thứ để xây dựng. Trên khắp Trung Quốc được "bao phủ" bởi những cây cầu và sân bay chưa được sử dụng, hàng triệu căn hộ không có người ở. Trong khi đó, lợi tức đầu tư giảm mạnh.

Các dấu hiệu rắc rối của Trung Quốc không chỉ nằm ở dữ liệu kinh tế ảm đạm gần đây mà còn được thấy từ việc các địa phương, như tỉnh Vân Nam, mới đây cho biết sẽ chi hàng triệu USD để xây dựng một cơ sở kiểm dịch Covid-19 mới, dù quốc gia này đã chấm dứt chính sách Zero Covid cách đây nhiều tháng và rất lâu sau khi thế giới vượt qua đại dịch.

Với đầu tư tư nhân suy yếu và xuất khẩu giảm sút, các quan chức địa phương cho biết họ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc tiếp tục vay nợ và đầu tư xây dựng để kích thích kinh tế địa phương.

Các nhà kinh tế giờ đây tin rằng, Trung Quốc đang bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng chậm hơn nhiều, với nhân khẩu học không thuận lợi và sự chia rẽ ngày càng lớn với Mỹ và các đồng minh - điều này đang gây nguy hại cho hoạt động đầu tư và thương mại nước ngoài. Thay vì chỉ là một giai đoạn suy yếu kinh tế, đây có thể là sự lu mờ của một kỷ nguyên dài.

Adam Tooze, giáo sư lịch sử tại Đại học Columbia chuyên nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng kinh tế, cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch quỹ đạo đáng chú ý nhất trong lịch sử kinh tế".

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP của Trung Quốc ở mức dưới 4% trong những năm tới, thấp hơn một nửa so với mức tăng trưởng trong hầu hết bốn thập kỷ qua. Capital Economics, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London, cho rằng xu hướng tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại từ 5% xuống 3% vào năm 2019 và sẽ giảm xuống khoảng 2% vào năm 2030.

Với tốc độ đó, Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu chính phủ nước này đặt ra là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035. Điều đó sẽ khiến Trung Quốc khó thoát khỏi hàng ngũ các thị trường mới nổi có thu nhập trung bình và có thể có nghĩa là Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo tờ The Wall Street Journal (WSJ), các ngành công nghiệp xe điện và năng lượng tái tạo đang phát triển của Trung Quốc là những lời nhắc nhở về khả năng chiếm lĩnh thị trường của nước này. Căng thẳng với Mỹ có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng tốc đổi mới trong các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn, mở ra những con đường tăng trưởng mới. Và Bắc Kinh vẫn có các đòn bẩy để kích thích tăng trưởng, chẳng hạn như mở rộng chi tiêu tài khóa.

Mặc dù vậy, giới kinh tế tin rằng, Trung Quốc đã bước vào một thời kỳ khó khăn hơn, trong đó các phương pháp thúc đẩy tăng trưởng trước đây mang lại lợi nhuận giảm dần.

Thành công ban đầu trong việc ngăn chặn Covid-19 và sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong đại dịch càng che đậy những rắc rối kinh tế của Trung Quốc. "Bong bóng" nhà đất đã nổ ra kể từ thời điểm đó, trong khi nhu cầu của phương Tây đối với các sản phẩm của Trung Quốc đã giảm xuống và việc vay nợ đã đạt đến mức thiếu bền vững.

Trong những tháng gần đây, triển vọng kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên "u ám". Hoạt động sản xuất bị thu hẹp, xuất khẩu giảm và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã đạt mức cao kỷ lục. Một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc - Country Garden Holdings - đang trên bờ vực có thể vỡ nợ khi toàn bộ nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát.

Suy thoái giống như Nhật Bản?

Nếu không có các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn từ Bắc Kinh, một số nhà kinh tế tin rằng sự suy thoái của Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài giống như những gì Nhật Bản đã trải qua kể từ những năm 1990, khi "bong bóng" bất động sản đổ vỡ dẫn đến giảm phát và hạn chế tăng trưởng trong nhiều năm.

Tuy nhiên, không giống như Nhật Bản, Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ như vậy trước khi trở thành nước giàu trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển.

Thu nhập quốc dân trên mỗi người của Trung Quốc đạt khoảng 12.850 USD vào năm ngoái, thấp hơn ngưỡng hiện tại là 13.845 USD/người mà Ngân hàng Thế giới (WB) phân loại là mức tối thiểu đối với một quốc gia "có thu nhập cao". Thu nhập quốc dân bình quân đầu người của Nhật Bản vào năm 2022 là khoảng 42.440 USD và của Mỹ là khoảng 76.400 USD.

Xây dựng quá mức

Theo một nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc, khoảng 1/5 căn hộ ở đô thị Trung Quốc, hoặc ít nhất 130 triệu căn hộ, được ước tính là không có người ở vào năm 2018. Ảnh minh họa: Internet

Theo một nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc, khoảng 1/5 căn hộ ở đô thị Trung Quốc, hoặc ít nhất 130 triệu căn hộ, được ước tính là không có người ở vào năm 2018. Ảnh minh họa: Internet

Quá trình vươn lên của Trung Quốc đánh dấu một sự thay đổi đáng kinh ngạc. Trung Quốc liên tục bất chấp các chu kỳ kinh tế trong bốn thập kỷ kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên "cải cách và mở cửa" vào năm 1978. Trong thời kỳ đó, Trung Quốc đã tăng thu nhập bình quân đầu người lên gấp 25 lần và giúp hơn 800 triệu người dân thoát nghèo, theo WB.

Sự bùng nổ của Trung Quốc được củng cố bởi mức đầu tư trong nước vào cơ sở hạ tầng và các tài sản vật chất khác cao bất thường, chiếm trung bình khoảng 44% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2018 - 2021. Theo WB, con số này cao hơn so với mức trung bình của Mỹ (khoảng 20%) và của toàn cầu (25%).

Việc chi tiêu mạnh tay như vậy có thể thực hiện được một phần nhờ hệ thống "áp chế tài chính", trong đó các ngân hàng nhà nước đặt lãi suất tiền gửi thấp, nghĩa là họ có thể huy động vốn với chi phí thấp và tài trợ cho các dự án xây dựng. Trung Quốc đã xây dựng thêm hàng chục nghìn km đường cao tốc, hàng trăm sân bay và mạng lưới tàu cao tốc lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo thời gian, bằng chứng về việc xây dựng quá mức đã trở nên rõ ràng. Theo một nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc, khoảng 1/5 căn hộ ở đô thị Trung Quốc, hoặc ít nhất 130 triệu căn hộ, được ước tính là không có người ở vào năm 2018.

Điểm mấu chốt mà Trung Quốc đang đối mặt là lợi ích trong hoạt động xây dựng đang giảm dần

Một nhà ga đường sắt cao tốc ở Đan Châu, một thành phố ở tỉnh Hải Nam phía Nam Trung Quốc, tiêu tốn 5,5 triệu USD để xây dựng nhưng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng vì nhu cầu hành khách quá thấp. Chính quyền Hải Nam cho biết, việc tiếp tục mở cửa nhà ga sẽ gây ra "tổn thất lớn".

Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất nước với GDP bình quân đầu người dưới 7.200 USD vào năm ngoái, tự hào có hơn 1.700 cây cầu và 11 sân bay - nhiều hơn tổng số sân bay ở 4 thành phố hàng đầu của Trung Quốc. Quý Châu có khoản nợ tồn đọng ước tính 388 tỷ USD vào cuối năm 2022. Tháng 4/2023, tỉnh này đã phải xin chính quyền trung ương viện trợ để củng cố tài chính.

Kenneth Rogoff - Giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard nhận xét, sự đi lên của Trung Quốc tương đồng với những gì nhiều nền kinh tế châu Á khác đã trải qua trong thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng, cũng như những gì các nước châu Âu (như Đức) đã trải qua sau Thế chiến II, khi các khoản đầu tư lớn trong cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thời, hàng thập kỷ xây dựng quá mức ở Trung Quốc giống với sự bùng nổ xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhật Bản vào cuối những năm 1980 và 1990. "Điểm mấu chốt mà Trung Quốc đang đối mặt là lợi ích trong hoạt động xây dựng đang giảm dần", ông Kenneth Rogoff cho biết.

Theo Bert Hofman, người đứng đầu Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của các công ty tư nhân đã giảm xuống 3,9% từ mức 9,3% cách đây 5 năm. Con số này của các công ty nhà nước đã giảm xuống 2,8% từ mức 4,3% trong cùng giai đoạn.

Trong khi đó, lực lượng lao động của Trung Quốc đang thu hẹp lại và tăng trưởng năng suất đang chậm lại. Phân tích của Bert Hofman cho thấy, từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000, tăng trưởng năng suất đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 1/6 trong thập kỷ qua.

Nợ nần chồng chất

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế bằng cách đầu tư vào các nhà máy, tòa nhà chọc trời và đường sá. Ảnh: Internet

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế bằng cách đầu tư vào các nhà máy, tòa nhà chọc trời và đường sá. Ảnh: Internet

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng nợ của Trung Quốc - bao gồm cả nợ của các cấp chính quyền và công ty nhà nước - đã tăng lên gần 300% GDP vào năm 2022.

Theo IMF, việc Bắc Kinh hạn chế khả năng vay trực tiếp để tài trợ cho các dự án, chính quyền nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc đã chuyển sang các "phương tiện tài trợ ngoại bảng" với khoản nợ dự kiến lên tới hơn 9 nghìn tỷ USD trong năm nay.

Rhodium Group, một công ty nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại New York, ước tính rằng chỉ có khoảng 20% các công ty tài chính được chính quyền địa phương sử dụng để tài trợ cho các dự án có đủ dự trữ tiền mặt để đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của họ, bao gồm cả trái phiếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tại Vân Nam, chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều năm. Các quan chức tỉnh này đã chi hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, bao gồm cả cây cầu treo cao nhất châu Á, hàng nghìn km đường cao tốc...

Các dự án này đã thúc đẩy du lịch và giúp mở rộng hoạt động thương mại của tỉnh Vân Nam. Từ năm 2015 - 2020, Vân Nam là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng của tỉnh này đã yếu đi trong vài năm qua. Thị trường bất động sản sụt giảm đã ảnh hưởng nặng nề đến tài chính địa phương, khi doanh thu từ việc bán đất cạn kiệt.

Tỷ lệ nợ trên doanh thu của Vân Nam đã tăng lên 151% vào năm 2021, vi phạm mức 150% được IMF coi là đáng báo động và tăng từ 108% vào năm 2019, theo cơ quan xếp hạng Lianhe Ratings.

Tuy nhiên, Vân Nam vẫn tiếp tục ấp ủ những kế hoạch lớn. Đầu năm 2020, chính quyền Vân Nam cho biết họ có kế hoạch chi gần 500 tỷ USD cho hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm dự án trị giá hơn 15 tỷ USD nhằm chuyển nước từ các phần của sông Dương Tử đến trung tâm khô hạn của Tỉnh.

Thay đổi mô hình

Tại các hành lang quyền lực của Bắc Kinh, các quan chức cấp cao đã nhận ra rằng mô hình tăng trưởng trong những thập kỷ qua đã đạt đến giới hạn của nó.

Các nhà kinh tế cho rằng, giải pháp rõ ràng nhất là Trung Quốc sẽ chuyển sang thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và các ngành dịch vụ, điều này sẽ giúp tạo ra một nền kinh tế cân bằng hơn. Theo WB, tiêu dùng hộ gia đình chỉ chiếm khoảng 38% GDP ở Trung Quốc, không thay đổi trong những năm gần đây, so với khoảng 68% ở Mỹ.

Thay đổi này đặt ra yêu cầu chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp nhằm khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn. Điều đó có thể bao gồm việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hội tương đối ít ỏi của Trung Quốc với các khoản trợ cấp thất nghiệp và y tế lớn hơn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư