Trong gian khó tình người lên ngôi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái là những phẩm chất nổi bật, là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam. Từ đầu năm 2020 đến nay, truyền thống đó một lần nữa được minh chứng rõ nét trong cuộc chiến chống Covid-19. Không hề quá lời khi khẳng định báo chí góp phần quan trọng khơi lên sức mạnh dân tộc và đóng góp không nhỏ vào thành công của cuộc chiến cam go này.
Hình ảnh các y, bác sỹ và lực lượng chức năng, tình nguyện viên căng mình nơi tuyến đầu chống dịch đã chuyển tải đầy đủ nhất tinh thần đoàn kết, sẻ chia và quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19. Ảnh: Danh Lam
Hình ảnh các y, bác sỹ và lực lượng chức năng, tình nguyện viên căng mình nơi tuyến đầu chống dịch đã chuyển tải đầy đủ nhất tinh thần đoàn kết, sẻ chia và quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19. Ảnh: Danh Lam

Những bài báo, hình ảnh lay động hàng triệu trái tim

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2021, khi báo chí đưa thông tin, hình ảnh vị bác sỹ già 78 tuổi Nguyễn Văn Trang (Thanh Chương, Nghệ An) đặt tay lên lồng ngực trái, viết đơn tình nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch, hàng triệu người Việt Nam đã xúc động rưng rưng. Nhiều người không cầm được nước mắt. Ngay lập tức, hình ảnh của vị thầy thuốc già được chia sẻ rộng rãi trên cộng đồng mạng xã hội, lan truyền tới người Việt trên phạm vi toàn cầu. Nó như liều “doping” tiếp sức cho hàng vạn y, bác sỹ và lực lượng chức năng đang căng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Nó nhắc nhở hơn chín mươi triệu người Việt Nam trách nhiệm to lớn với cộng đồng, mỗi người là một nhân tố trong cuộc chiến sống còn “chống dịch như chống giặc” mà Chính phủ cùng toàn dân đã nhiều lần chiến thắng kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Thực ra, bác sỹ Nguyễn Văn Trang chỉ là một trong rất nhiều điển hình trong cuộc chiến chống Covid-19 được báo chí phát hiện, đưa tin kịp thời. Hơn một năm qua, trên các phương tiện truyền thông, hàng ngàn tấm gương tiêu biểu trong phòng, chống đại dịch đã được báo chí phản ánh, tôn vinh. Họ có mặt ở khắp mọi nơi, từ bản làng vùng biên giới xa xôi đến các đô thị, khu công nghiệp lớn của cả nước. Thông qua báo chí, những tấm gương thiếu úy Bùi Quang Huy (Bộ đội Biên phòng Sơn La), trung úy Nguyễn Đình Thông (Bộ đội Biên phòng Long An), điều dưỡng Nguyễn Thị Liên (Bình Thuận) vì nhiệm vụ phòng chống dịch, không về chịu tang cha, mẹ xuất hiện ngày càng nhiều. Rồi hình ảnh hàng nghìn y, bác sỹ kiệt sức vì chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho bệnh nhân đã thực sự khơi lên trong xã hội niềm tự hào, sẻ chia và yêu thương vô tận. Tất cả đã làm nên sức mạnh lan tỏa, giúp công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 trở nên hiệu quả hơn khi đánh thức, khơi dậy tình đồng bào và lòng nhân ái vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Để kịp thời có những bài viết nhanh, chuẩn xác, chân thực trong đại dịch, nhà báo Ngô Anh Văn, Trưởng ban Bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống, một trong hàng trăm nhà báo nơi tuyến đầu cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có bốn lần anh lên đường tác nghiệp dài ngày trong tâm dịch. Giữa năm 2020, anh và nhiều đồng nghiệp đã bám trụ gần một tháng trời ở Đà Nẵng. Trở về Hà Nội, vừa thực hiện cách ly, hằng ngày anh vẫn đảm nhận biên tập, xử lý hàng chục tin bài về đại dịch cho cơ quan, đồng nghiệp. Phải đón Tết Nguyên đán Tân Sửu nơi tâm dịch Hải Dương và dịp 21/6 năm nay, Ngô Anh Văn và nhiều đồng nghiệp đang ở “điểm nóng” Bắc Ninh, Bắc Giang.

Sống và làm việc giữa “vùng đỏ”, khi xung quanh là rất nhiều F0, các nhà báo biết rõ chỉ một sơ sảy nhỏ là mình sẽ thành bệnh nhân. Nhưng gạt qua nỗi lo sợ thường tình, họ hiểu sứ mệnh “nhịp cầu thông tin” mà mình đảm nhận không được phép chậm trễ, “ngắt mạch”. Bởi phía sau họ là hàng triệu độc giả đang chờ đợi những thông tin, hình ảnh trung thực về dịch bệnh. Bởi các thông tin chính thống, chân thực là sự trả lời hùng hồn và thuyết phục nhất, phủ nhận bao đồn thổi, lan truyền của tin “nhái”, tin giả trên mạng xã hội, gây không ít hoang mang, lo lắng trong cộng đồng.

Khi sức mạnh dân tộc từ “dòng chảy thông tin”

Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng (21/6/1925 - 21/6/2021) đến với người làm báo Việt Nam giữa lúc cả nhân loại vẫn đang quay cuồng với cuộc chiến chống Covid-19. Với hàng ngàn “người lính” trên mặt trận thông tin, ngày truyền thống của nghề không gì ý nghĩa bằng các bài viết, phóng sự chuyển tải được đầy đủ nhất quyết tâm, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, yêu thương để chiến thắng dịch bệnh. Báo chí đã cụ thể hóa quyết tâm chống dịch sâu rộng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho đến các bộ, ngành, địa phương cũng như mỗi người dân. Không quá lời khi nói rằng báo chí góp phần quan trọng xây dựng và củng cố niềm tin vững chắc của toàn dân vào Đảng, Nhà nước thông qua những con số biết nói. Trải qua 4 lần dịch bùng phát trong cộng đồng, số ca nhiễm của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia láng giềng. Cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới đạt thành công lớn trong đối phó với đại dịch Covid-19.

Những ngày tháng 6/2021 nắng như đổ lửa. Nhưng với những người làm báo, “sức nóng” của thông tin không chỉ là phản ánh đầy đủ quyết tâm, sự bình tĩnh, quả cảm của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu, báo chí còn nối nhịp cầu nhân ái, sẻ chia. Thông qua báo chí, độc giả biết đến những việc làm bình dị nhưng rất đáng tôn vinh của cụ ông Cao Dược, 104 tuổi, ở xã miền núi Trung Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, đến tận trụ sở cơ quan huyện trao 2 triệu đồng góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Hay tấm gương mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ba, tuổi gần 90 xách 5 kg gạo đến ủng hộ khu cách ly. Thông qua báo chí, mô hình quầy hàng không đồng được lan tỏa và nở rộ khắp nơi. Hàng vạn tấm lòng thơm thảo, sẻ chia của nhân dân Việt Nam trong đại dịch được phản ánh sinh động. Tình người trong gian khó lên ngôi. Và hiện nay, báo chí đang là kênh thông tin hiệu quả góp sức tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân khắp mọi miền.

Xác định cuộc chiến Covid-19 là một thử thách đường dài, chưa thể sớm kết thúc, trước và sau khi Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 do Chính phủ thành lập, đã có hàng ngàn tin, bài cổ vũ cho việc làm cần thiết và đúng đắn này. Các doanh nghiệp đi đầu trong ủng hộ Quỹ như Tập đoàn Vingroup (ủng hộ 4 triệu liều vắc xin), Công ty Golf Long Thành ủng hộ 500 tỷ đồng… ngay lập tức đã được truyền thông tôn vinh. Từ đó, hàng vạn doanh nghiệp các thành phần kinh tế và hàng chục triệu người dân, người nhiều, người ít đang tự nguyện đóng góp để cùng với Chính phủ quyết tâm hướng tới miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021.

Những ngày này, mở ra mỗi trang báo, ở vị trí trang trọng nhất đều là các tin, bài về kết quả phòng, chống đại dịch Covid-19, là những nghĩa cử cao đẹp, là tình người, tinh thần đoàn kết trào dâng. Thông qua báo chí, không chỉ người Việt mà rất nhiều người nước ngoài đã dành sự nể phục và trân trọng thành quả chống dịch mà toàn hệ thống chính trị cũng như nhân dân ta đạt được.

Tin rằng, việc góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc bền chặt, làm nên sức mạnh nội tại to lớn, góp phần cùng Chính phủ và toàn dân chiến thắng đại dịch Covid-19 chính là những việc làm ý nghĩa, thiết thực nhất của người làm báo cả nước dâng lên nhà báo vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Chuyên đề