Trở ngại lớn về nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo các chuyên gia, đối với nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn hạn chế như Việt Nam thì chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cơ hội và cũng là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.
Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Sáng 17/11, Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nằm trong chuỗi hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” đã tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương.

Theo thông tin thống kê, nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 tăng lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được nhiều chuyên gia đánh giá là còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ở bình diện quốc gia mới chỉ đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo; việc xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực và chất lượng còn nhiều bất cập; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi thị trường lao động trong cuộc CMCN4.0, ông Nguyễn Hồng Hà, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, việc làm trong tương lai sẽ được “định hình” lại và có sự chuyển đổi lao động theo hướng công bằng, bao trùm. Hiện, CMCN4.0 vẫn còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp, do đó, để có thể chuyển đổi thị trường lao động, cần đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu kỹ năng cho tương lai dựa vào những phân tích thấu đáo hơn về tác động của CMCN4.0 tới từng ngành kinh tế.

Đơn cử với việc định hướng đầu tư vào nền kinh tế xanh và nền kinh tế chăm sóc sẽ khiến 6 triệu việc làm mất đi nhưng có tới 24 triệu việc làm mới; việc tăng gấp đôi đầu tư vào nền kinh tế chăm sóc có thể tạo thêm 269 triệu việc làm mới trong nền kinh tế này vào năm 2030, ông An dẫn chứng.

Chuyên gia này nhấn mạnh, kỹ năng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ là giải pháp đầu tàu để giúp lao động có thể thúc đẩy và nâng tầm ngành kinh tế. Theo đó, các cơ sở đào tạo nên được trao quyền tự quyết lớn hơn; đào tạo những kỹ năng cốt lõi, nền tảng để chuẩn bị cho người lao động trong thời đại CMCN4.0; lấy người học làm trung tâm của giáo dục nghề nghiệp; và cần liên tục đào tạo và xây dựng năng lực cho lực lượng lao động.

Chuyên đề