Triển vọng tích cực từ Chương trình phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) vừa được Quốc hội thông qua là rất tốt cả ở ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, WB dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn là tích cực.
Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm 2022 với giả định đại dịch Covid-19 được kiểm soát tương đối tốt cả trong nước và quốc tế. Ảnh: Tiên Giang
Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm 2022 với giả định đại dịch Covid-19 được kiểm soát tương đối tốt cả trong nước và quốc tế. Ảnh: Tiên Giang

Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, tháng 1/2022 vừa được WB công bố chiều 13/1/2022 đưa ra nhận định, GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 5,5% trong năm 2022 với giả định đại dịch được kiểm soát tương đối tốt cả trong nước và quốc tế. Nền kinh tế dự kiến quay về lộ trình trước Covid-19 vào năm 2023 với mức GDP tăng trưởng 6,5%. Dự báo của WB được đưa ra với điều kiện tiếp tục triển khai vắc xin trên toàn quốc, các hoạt động kinh tế trong nước được phục hồi, cùng với diễn biến phục hồi kinh tế trên toàn cầu.

WB khuyến nghị, để bảo đảm nền kinh tế phục hồi thành công trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần xử lý một số thách thức. Đó là những hạn chế về cung liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động gây ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất sau khi mở cửa. Nhìn từ góc độ cầu, nhu cầu của khu vực tư nhân trong nước chưa được khôi phục về các mức trước năm 2020, làm giảm lòng tin và thu nhập của khu vực tư nhân. Để khôi phục lại lòng tin và thu nhập, cần có các chính sách tài khóa và tiền tiền tệ phối hợp chặt chẽ.

Ngoài ra, cần vạch ra kế hoạch để chấm dứt đóng cửa biên giới quốc tế, đã và đang gây thiệt hại rất nhiều. Đồng thời, để giúp nền kinh tế khôi phục lại xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch, ngành du lịch (đóng góp khoảng 10% cho GDP năm 2019) cần sớm được khôi phục để tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, WB lưu ý chiến lược đó đòi hỏi phải kiểm soát dịch liên tục trong năm 2022.

Về các chính sách hỗ trợ mà Việt Nam đã thực hiện, WB đánh giá, quy mô chính sách tài khóa ứng phó với khủng khoảng của Việt Nam tương đối nhỏ mặc dù còn nhiều dư địa tài khóa. Sự dè dặt về chính sách đã phần nào dẫn đến thực tế là, khác với năm 2020, Việt Nam không còn đi tiên phong trong việc xử lý tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế so với các quốc gia láng giềng. Trong một năm mà kinh tế phục hồi ở hầu hết các quốc gia so sánh, thì Việt Nam phải vật lộn với giai đoạn đóng cửa kéo dài ở các trung tâm kinh tế lớn của đất nước.

Về các chính sách tài khóa, tiền tệ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua, theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam đánh giá, đây là gói chính sách rất tốt và kịp thời vì hai lý do. Thứ nhất, để ứng phó lại cuộc khủng hoảng, Chính phủ cần có chính sách tài khóa chủ động hơn để kích thích nền kinh tế. Khi Chính phủ chi tiền nhiều hơn sẽ kích thích nền kinh tế. Chính phủ đang ở vị thế rất tốt để thực hiện các chính sách kích thích bởi lẽ Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới không có không gian tài khóa chủ động như vậy.

Thứ hai, gói chính sách này tốt không chỉ nhìn nhận ở giai đoạn ngắn hạn mà cả dài hạn. Để giúp Việt Nam đạt được vị thế nước thu nhập cao, cần có giai đoạn chuyển đổi và các chính sách phục hồi đang cố gắng đưa ra một số cải cách. Ông Jacques Morisset lấy ví dụ như việc tinh giản một số thủ tục đầu tư. Cuộc khủng hoảng cũng cho thấy một số điểm nghẽn trong quản lý đầu tư công, Chính phủ đang cố gắng giải quyết bằng thay đổi một số thủ tục hành chính quan trọng trong quá tình tương tác giữa Trung ương và địa phương. Chương trình phục hồi cũng quan tâm nhiều hơn cho hạ tầng y tế, giáo dục. Đây là phản ứng tốt và sẽ có tác động về lâu dài.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh, tăng đầu tư công là giải pháp rất quan trọng, nhưng bên cạnh việc đẩy nhanh giải ngân, phải tăng hiệu quả đầu tư công tối đa, đầu tư có trách nhiệm thông qua tinh giản quy trình thủ tục nhưng vẫn phải có biện pháp bảo đảm minh bạch của quá trình đấu thầu, xử lý tác động môi trường của các khoản đầu tư. Thúc đẩy đầu tư không nên tạo ra những rủi ro mới cho môi trường, hoặc quy trình đấu thầu không cạnh tranh, dẫn đến những kết quả không mong muốn.

Chuyên đề