Cấp thiết hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trả lời tại nghị trường ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bài học kinh nghiệm từ các chương trình kích thích kinh tế từ hơn 10 năm trước cho thấy, chương trình phục hồi kinh tế hiện nay cần được thực hiện một cách tổng thể, có quy mô đủ lớn, cân đối khả năng vay - trả và hấp thụ của nền kinh tế. Việc thực hiện phải đồng bộ, kịp thời, có trọng tâm và trọng điểm, đặc biệt là chú trọng kiểm soát và giám sát chặt chẽ.
Nếu thực hiện tốt Chương trình phục hồi kinh tế từ đầu năm 2022 thì nền kinh tế có thể phục hồi từ cuối năm 2022, trở lại trạng thái bình thường như kỳ vọng từ cuối 2023. Ảnh: Trần Sơn
Nếu thực hiện tốt Chương trình phục hồi kinh tế từ đầu năm 2022 thì nền kinh tế có thể phục hồi từ cuối năm 2022, trở lại trạng thái bình thường như kỳ vọng từ cuối 2023. Ảnh: Trần Sơn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến các mặt kinh tế - xã hội của các nước và Việt Nam. Các nước trên thế giới đã có gói hỗ trợ với quy mô rất lớn, chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN). Theo số liệu từ IMF, Mỹ đã dành 27,9% GDP, chấp nhận tăng nợ công thêm 21 điểm phần trăm lên mức 133% GDP. Trung Quốc dành 6,1% GDP, tăng nợ công thêm 9,7 điểm phần trăm lên mức 66,8% GDP. Việc thực hiện các gói hỗ trợ cùng chiến lược tiêm phủ vắc-xin đã giúp các nước này hồi phục nhanh.

Về tài khóa, các nước tăng chi cho y tế, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch, trợ giúp các hộ gia đình với phương thức cấp phát tiền mặt, hỗ trợ lương thực, tiền điện, chi trả các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, miễn, giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp (DN)... Các nước cũng chú trọng đầu tư cho hạ tầng, đơn cử Mỹ dành 1.200 tỷ USD để đầu tư hạ tầng vừa giúp phục hồi kinh tế vừa kích thích tăng trưởng dài hạn. Về tiền tệ, nhiều nước duy trì chính sách lãi suất cơ bản ở mức thấp, tăng cung tín dụng, nới lỏng điều kiện hỗ trợ lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nhóm nợ…

Được giao xây dựng chương trình phục hồi kinh tế Việt Nam, Bộ KH&ĐT đang tiếp thu ý kiến các cơ quan ban ngành, chuyên gia trong và ngoài nước với một số quan điểm. Đó là, chương trình có quy mô đủ lớn và thời gian phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, tranh thủ tối đa những dư địa đang thuận lợi của nền kinh tế; gắn kết chặt chẽ với Chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, tài chính công, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công...

Các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo. Giải pháp phải trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến tổng thể nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên.

Nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phải cụ thể, triển khai thực hiện nhanh, điều kiện đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá… Nhiệm vụ, giải pháp tiếp cận cả về hai phía cung - cầu và các khâu kết nối; bao gồm các giải pháp về y tế, kinh tế và xã hội, tạo cơ hội để phục hồi, bứt phá về chất lượng cơ sở hạ tầng chiến lược, xuất khẩu bền vững và tiêu dùng nội địa, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, chuyển đổi số...

Trả lời ý kiến của các đại biểu quốc hội về việc rút kinh nghiệm của các chương trình kích thích kinh tế đã được thực hiện từ những năm 2008 - 2009, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần xem xét thận trọng để phát huy những điểm tốt và không vấp phải những khiếm khuyết của các gói hỗ trợ kinh tế giai đoạn đó.

Theo đó, việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2008 - 2009 có quy mô khoảng 6,9 tỷ USD ở thời điểm đó. Riêng năm 2009, dành 5,7 tỷ USD thực hiện, tương ứng 5,6% GDP lúc đó. Một số kết quả tích cực là giúp nước ta vượt qua giai đoạn rất khó khăn và là một trong số ít nền kinh tế có tăng trưởng GDP dương, năm 2008 tăng trưởng 5,7%, năm 2009 tăng trưởng 5,4%.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là chính sách ở thời điểm đó chủ yếu tập trung về phía cung, trong khi chưa hỗ trợ DN tiếp cận và mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ lãi suất lớn nhưng thiếu đồng bộ, chính sách tiền tệ - tài khóa chưa hiệu quả, xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, chẳng hạn vay vốn hỗ trợ ở ngân hàng này và gửi ngân hàng khác để hưởng chênh lệnh lãi suất, dòng tiền hỗ trợ không chảy vào sản xuất mà vào các lĩnh vực như bất động sản và chứng khoán do kiểm soát không chặt chẽ.

Cách làm đó đã ảnh hưởng bất lợi đến các yếu tố vĩ mô, khiến lạm phát năm 2010 lên mức 9,2%, lạm phát năm 2011 lên mức 18,6%, có tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng, nhiều dự án dừng từ năm 2011 đến nay không giải quyết được, nhiều gói vay hỗ trợ lãi suất đến nay chưa kiểm soát được. Một phần nguyên nhân của tình trạng đó là do công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ, chính sách tài khóa và tiền tệ chưa đồng bộ và thiếu linh hoạt. Mặt khác, chính sách kích thích kinh tế đó được thực hiện trên nền tảng kinh tế vĩ mô thiếu ổn định của giai đoạn trước.

Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn hiện nay cần rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, để phát huy hiệu quả cao nhất. Nếu được thực hiện tốt từ đầu năm 2022 thì nền kinh tế có thể phục hồi từ cuối năm 2022 và tăng dần từ năm 2023 để có thể trở lại trạng thái bình thường như kỳ vọng từ cuối năm 2023.

Chuyên đề