Trong số 4 “ông lớn” ngành đá xây dựng, có tới 3 doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh thiếu tích cực. Ảnh: Lan Anh |
Lợi nhuận sụt giảm
Sau 9 tháng năm 2019, trong số 4 “ông lớn” ngành đá xây dựng là Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (BIMICO), Công ty CP Đầu tư xây dựng 3-2 (CIC3-2), Công ty CP Đá Núi Nhỏ (Đá Núi Nhỏ), Công ty CP Hóa An, thì có tới 3 doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh thiếu tích cực.
CIC3-2 ghi nhận 534 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 9 tháng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu bán hàng không có nhiều chuyển biến nhưng chi phí giá vốn tăng tới 16% khiến lợi nhuận gộp giảm 36%, từ 142,4 tỷ đồng (9 tháng năm 2018) xuống còn 91 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và ghi nhận thêm lợi nhuận từ các hoạt động khác, CIC3-2 ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 48,2 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2018.
Lý giải về sự sụt giảm lợi nhuận, CIC3-2 cho biết, nguyên nhân do cơ cấu doanh thu thay đổi, tăng ở các lĩnh vực có tỷ lệ lãi gộp thấp và giảm ở lĩnh vực khai thác đá khiến lãi gộp giảm mạnh. Đối với lĩnh vực khai thác chế biến đá, thị trường tiêu thụ sản phẩm đá khó khăn do số lượng các công trình sụt giảm, giá bán giảm mạnh.
Tương tự, doanh thu thuần hợp nhất 9 tháng của BIMICO tăng 9%, đạt 842 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 46% về 43% nên lãi gộp chỉ còn tăng 3%, đạt 366 tỷ đồng. Chi phí lãi vay gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018 lên mức 51 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 26%, hoạt động khác giảm lợi nhuận từ 8 tỷ về 2 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của Công ty giảm 11%, đạt 189 tỷ đồng.
Còn Đá Núi Nhỏ ghi nhận 267 tỷ đồng doanh thu (giảm 6%) và 83,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm đến 45% so với 9 tháng năm 2018.
Về phía Công ty CP Hóa An, doanh nghiệp này vẫn giữ vững được doanh thu và lợi nhuận so với 9 tháng năm 2018 với kết quả lần lượt đạt 237 tỷ đồng và 50,1 tỷ đồng.
Cửa sáng từ xây dựng hạ tầng và công nghiệp?
Theo thông tin từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trong những năm gần đây, thị trường BĐS TP.HCM bị sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Điều này khiến các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30 - 50% số lượng hợp đồng xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy vậy, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, các dự án quy mô lớn tập trung ở khu vực Nam Bộ như Sân bay Long Thành (giai đoạn 1 đến năm 2025, quy mô vốn đầu tư 16 tỷ USD), các tuyến metro Hà Nội, các dự án cao tốc… đã, đang và sẽ được triển khai trong giai đoạn tới là cơ hội lớn với các doanh nghiệp khai thác đá có mỏ ở xung quanh khu vực các dự án này.
MBS dự báo, nhu cầu đá xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, trong đó trên 70% nhu cầu đến từ xây dựng hạ tầng và công nghiệp, 30% nhu cầu đến từ xây dựng dân dụng.