Trong vòng 24 ngày đầu tháng 7, lượng thép bán ra của 5 doanh nghiệp lớn ước đạt 750.000 tấn, vượt mức tiêu thụ của cả tháng 6/2017. Ảnh: Tường Lâm |
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về thị trường thép 6 tháng cuối năm 2017.
Một số chuyên gia dự báo rằng, trong 6 tháng cuối năm 2017, tiêu thụ thép sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông có ý kiến gì về dự báo này?
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công thấp, thị trường cát cũng có nhiều biến động tăng… làm cho nhu cầu tiêu thụ thép có những vấn đề. Tuy vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của ngành trong 6 tháng vẫn tương đối khả quan, tăng trưởng 6 tháng đạt 11,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 6 tháng cuối năm cũng xuất hiện thêm nhiều yếu tố thuận lợi có thể thúc đẩy tăng trưởng của ngành. Thứ nhất là dù bối cảnh kinh tế dự báo có nhiều khó khăn, song Chính phủ kiên trì với mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Để đạt mục tiêu này, 6 tháng cuối năm nền kinh tế phải tăng trưởng khoảng 7,4%. Thứ hai là, trong những tháng cuối năm, một loạt chính sách mới về giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… sẽ giúp giải phóng lượng vốn rất lớn cho xã hội để tiếp tục đầu tư. Trong bối cảnh đó, dự báo mức tiêu thụ thép trong 6 tháng cuối năm sẽ tốt hơn rất nhiều so với nửa đầu năm. Mục tiêu tăng trưởng 12% năm 2017 của ngành thép là khả thi.
Số liệu của Hiệp hội cũng ghi nhận, chỉ trong vòng 24 ngày đầu tháng 7, lượng thép bán ra của 5 doanh nghiệp lớn ước đạt 750.000 tấn, vượt mức tiêu thụ của cả tháng 6/2017.
Nửa đầu năm nay, tình hình nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam vẫn rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sản phẩm thép của các doanh nghiệp trong nước cũng sôi động không kém. Đáng nói hơn, hiện bức tranh công nghệ của ngành thép Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với trước. Sản phẩm nội địa đã có tính cạnh tranh cao, một số sản phẩm đã xuất khẩu. Việc nhiều sản phẩm thép ngoại tràn thị trường trong nước có gây khó khăn cho một số doanh nghiệp, nhưng không thể đè bẹp sản xuất trong nước. Mặt khác, Việt Nam vẫn được sử dụng các quy định theo thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước (hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại).
Liệu từ nay đến cuối năm giá thép sẽ biến động ra sao?
Ngành thép Việt Nam phụ thuộc vào thị trường thế giới vì hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu và bán thành phẩm từ nước ngoài về để phục vụ sản xuất trong nước. Chẳng hạn như năm 2016, Việt Nam nhập tới 1 triệu tấn quặng sắt, gần 4 triệu tấn thép phế… để phục vụ sản xuất. Do đó, giá thành sản phẩm thép phụ thuộc vào giá nhập khẩu nguyên vật liệu và chi phí sản xuất của các cơ sở sản xuất.
Hiện nay, giá cả của một số nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thép đang có chiều hướng tăng, đặc biệt là giá thép phế, phôi... Theo dự đoán của Hiệp hội, nhìn chung giá thép xây dựng từ nay đến cuối năm có xu hướng tăng lên, tuy nhiên mức độ tăng sẽ không lớn.
Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp thép vẫn chạy theo lợi nhuận mà ít quan tâm đầu tư theo chiều sâu. Theo ông, liệu đã đến lúc doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất thép chất lượng cao?
Đúng là hiện ngành thép Việt Nam tập trung sản xuất thép chất lượng thông thường, còn thép hợp kim và thép chất lượng cao chưa đầu tư. Theo tôi nguyên nhân chính là do trình độ phát triển kinh tế và nhu cầu thép hợp kim của Việt Nam cũng ở một mức độ nhất định. Dù vậy, việc tập trung vào sản xuất thép chất lượng thông thường, đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội là bước đi hoàn toàn chính xác và khôn ngoan.
Đến thời điểm này, nhu cầu thép chất lượng cao của Việt Nam đã tăng lên. Số liệu của Hiệp hội cho thấy nhu cầu ước chừng 1 triệu tấn/năm. Với con số này, ngành thép Việt Nam đã có thể nghĩ đến việc xây dựng nhà máy thép hợp kim để đáp ứng nhu cầu của phát triển kinh tế một cách bền vững.