Các chuyên gia “hiến kế” nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thép

Đa phần doanh nghiệp ngành thép Việt Nam còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, khả năng hội nhập, tiếp cận với thị trường khu vực và thế giới.
Tiến tới ngành thép phát triển bền vững trong hội nhập. Ảnh minh họa: TTXVN
Tiến tới ngành thép phát triển bền vững trong hội nhập. Ảnh minh họa: TTXVN

Với việc ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời dễ dàng nhập khẩu nguyên vật liệu, đặc biệt là than mỡ và quặng sắt cũng như nhập khẩu công nghệ, thiết bị để hiện đại hoá và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành thép.

Theo các chuyên gia trong ngành thép, để hướng ngành thép - một ngành vật liệu chủ yếu cho ngành công nghiệp, xây dựng phát triển, cần có sự kết nối và phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, giúp doanh nghiệp ngành thép nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, trình độ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Trịnh Văn Hoàn, chuyên gia trong lĩnh vực thép cho hay, một số doanh nghiệp thép có công nghệ hiện đại với lò điện có quy mô lớn như lò điện 70 tấn/mẻ của Tổng Công ty Thép Việt Nam, 120 tấn/mẻ của Công ty thép Việt... Sản phẩm tôn mạ màu, mạ kẽm của Tập đoàn Hoa Sen đang đứng đầu Đông Nam Á...

Tuy nhiên, trong ngành thép Việt Nam đang đan xen giữa công nghệ hiện đại với những dây chuyền công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng nhiều, ảnh hưởng môi trường lớn. Nhiều nhà máy trong nhiều năm không đầu tư nâng cấp hay đổi mới công nghệ.

Hiện tiêu thụ thép trên đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp, khoảng 240 kg, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới, vì vậy nhu cầu về thép còn rất lớn. Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn thép cuộn cán nóng (HRC), thép hợp kim (bao gồm cả thép không gỉ) và thép đặc biệt.

Ông Trịnh Văn Hoàn cũng cho rằng, thực tế, đa phần doanh nghiệp ngành thép Việt Nam còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, khả năng hội nhập, tiếp cận với thị trường khu vực và thế giới. Khi tham gia các FTA thì năng lực hội nhập theo các thông lệ quốc tế đang là hạn chế của doanh nghiệp Việt. Do vậy, doanh nghiệp phải vừa học vừa làm, nâng cao trình độ am hiểu luật pháp quốc tế, công nghệ...

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết: “Chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ hội nhập quốc tế. Như phải chịu tác động nhiều từ việc lượng lớn thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc (thép được trợ giá, được hoàn thuế VAT...), bao gồm cả các biện pháp gian lận thương mại để lẩn tránh thuế nhập khẩu”. Do đó Nhà nước và bản thân doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ bảo hộ sản xuất trong nước như hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Sưa cũng cho hay, có nhiều yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh và hội nhập của ngành thép Việt Nam. Các yếu tố vĩ mô cần được ưu tiên xem xét đó là nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn thể chế.

Môi trường kinh doanh phải làm sao giải phóng tối đa lực lượng sản xuất, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bình đẳng có thể tiếp cận thị trường, đảm bảo việc quản trị của doanh nghiệp hiệu quả hơn, quản trị nguồn lực quốc gia tốt hơn, tránh lãng phí, sử dụng không hiệu quả các nguồn vốn và tài nguyên của đất nước.

Ngoài ra, Nhà nước phải quản lý chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành thép như phát thải khí, rắn và lỏng ra môi trường theo các quy định hiện hành.

Để nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngoài việc trông chờ vào sự hỗ trợ cơ chế, chính sách từ phía các cơ quan nhà nước, thì bản thân doanh nghiệp cũng cần xác định mô hình tăng trưởng bền vững của mình, hướng tới chất lượng và chiều sâu, khi đó hàm lượng công nghệ, năng suất lao động, bảo vệ môi trường phải đóng vai trò thiết yếu trong giá trị gia tăng và giá trị sản phẩm.

Hiệp hội Thép đã và đang hỗ trợ về pháp lý, kỹ thuật cho các doanh nghiệp khi thực hiện, tham gia tố tụng thương mại với nước ngoài. Đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia quá trình hội nhập ngày càng hiệu quả hơn, đem lại những cơ hội, lợi ích cho chính họ và cho ngành thép Việt Nam.

Chuyên đề