Triển vọng kinh tế 2018: Lạc quan trong thận trọng

(BĐT) - Đặt niềm tin vào triển vọng kinh tế lạc quan trong năm 2018, nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo Chính phủ cần hết sức thận trọng, chú trọng khắc phục những vấn đề nội tại và chuẩn bị kỹ khả năng chống chọi trước cú sốc kinh tế có thể xảy ra theo quy luật vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.
Triển vọng kinh tế 2018: Lạc quan trong thận trọng

Thuận lợi và khó khăn đan xen

Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2017 vừa được công bố, Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ghi nhận những điểm sáng của nền kinh tế như thu hút FDI tăng mạnh; lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối cao giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2017 - 2018 tiếp tục nhảy 14 bậc. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán khởi sắc tạo điều kiện thuận lợi cho cổ phần hoá và thoái vốn khỏi DNNN...

Nếu các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì, Nhóm nghiên cứu thuộc VEPR cho rằng, những mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2018 có thể đạt được, dự báo tăng trưởng kinh tế 2018 có thể đạt mức 6,65%.

Bên cạnh triển vọng tươi sáng, các chuyên gia cũng nhận diện những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế trong năm 2018 cần phải khắc phục. Cụ thể, kết quả xuất siêu lớn trong năm 2017 rất đáng ghi nhận, nhưng theo nhiều chuyên gia, chủ yếu vẫn là đến từ khu vực FDI, dường như doanh nghiệp trong nước chưa có dịch chuyển đáng kể nào. Do đó, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về tính bền vững của nền kinh tế khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Lạm phát năm qua mặc dù ổn định nhưng tiêu dùng đang có chiều hướng tăng nên nguy cơ tăng lạm phát vẫn tiềm ẩn... Xuất khẩu lớn, tăng dự trữ ngoại hối (đạt trên 50 tỷ USD) nhưng nếu theo tuần nhập khẩu vẫn chưa phải là sự thay đổi lớn. Thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao tiếp tục là vấn đề lớn của nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, thì chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động, trong khi bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, lợi thế về lao động giá rẻ ngày càng mất đi... Tất cả những thách thức này đang tạo áp lực lớn cho tăng trưởng trong năm nay. 

Lường trước rủi ro có tính chu kỳ của nền kinh tế

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, ngoài các khó khăn nêu trên, cần thận trọng, chuẩn bị kỹ các phương án đối phó với những cú sốc kinh tế có thể xảy ra. Không loại trừ khả năng có thể xảy ra một cú sốc kinh tế có thể diễn ra vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, vì theo ông Võ Trí Thành, chu kỳ tăng trưởng thường là 9 - 10 năm, bất động sản là 7 - 8 năm.

Theo phân tích của ông Trương Đình Tuyển, chu kỳ kinh tế là một thực tế rất khách quan. Do đó, các chuyên gia cần cố gắng tính toán, từ đó dự báo sớm để nâng cao khả năng chống chọi với những cú sốc kinh tế tương tự năm 2009, nếu không sẽ rơi vào trạng thái bị động, dễ bị cuốn theo xoáy khủng hoảng của thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phụ thuộc vào kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới.    

Chuyên đề