Triển vọng đầu tư năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có một câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình, bạn không thể kiểm soát được tiền bạc của mình”. Trong hoạt động đầu tư, để kiểm soát được cảm xúc, cần có sự thấu hiểu và dự liệu được sự vận hành của các thị trường mục tiêu. Đi qua năm 2022 khó khăn, bài viết chia sẻ dự cảm những kênh đầu tư đáng chú ý năm 2023.
Điểm khác biệt của năm 2023 là ở chỗ TTCK Việt Nam rơi về mức định giá rẻ với P/E về quanh mức 10 lần. Ảnh: Nhã Chi
Điểm khác biệt của năm 2023 là ở chỗ TTCK Việt Nam rơi về mức định giá rẻ với P/E về quanh mức 10 lần. Ảnh: Nhã Chi

Tiền gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn và phù hợp

Thị trường tài chính toàn cầu trải qua năm 2022 nhiều sóng gió với các bất ổn về địa chính trị, kinh tế rộng khắp, buộc ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng mạnh lãi suất. Trong bối cảnh này, thị trường tài chính Việt Nam cũng trải qua những biến cố “để đời” khi mặt bằng lãi suất tăng cao, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khủng hoảng, thị trường bất động sản đóng băng, hàng loạt doanh nghiệp và nhà đầu tư gặp khó… Nền kinh tế nước ta về đích tăng trưởng 8,02%, nhưng chỉ số chứng khoán ghi nhận mất 35% (từ 1.498 điểm khởi đầu năm, VN-Index về 1.007 điểm cuối năm) là một minh chứng cho những gian khó trong hoạt động đầu tư tài chính vừa qua.

Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Những gập ghềnh của kênh đầu tư tài chính thúc đẩy người có tiền nghĩ đến kênh gửi tiết kiệm. Theo dự báo, năm 2023, gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục là kênh đầu tư an toàn và phù hợp. Thực tế, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng rất mạnh trong năm 2022. Tháng 12/2022, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (mẫu theo dõi của BVSC với trên 30 ngân hàng trong hệ thống) đã ở mức trung bình 8,43%, cao hơn khoảng 1% so với mức trung bình của năm 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh Fed sẽ còn tăng lãi suất lần nữa vào quý I/2023, cùng với áp lực lạm phát dự báo ở mức cao những tháng đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam dự báo sẽ tăng nhẹ hoặc đi ngang nửa đầu năm 2023. Đây là thời điểm tốt để người có tiền nhận được mức lãi suất hấp dẫn nếu chọn kênh gửi tiết kiệm. Các nhà kinh tế học đã chỉ ra, khi triển vọng kinh tế vĩ mô kém tích cực thì các kênh đầu tư an toàn như tiền gửi tiết kiệm nên là một kênh phân bổ vốn tốt, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư có khẩu vị chấp nhận rủi ro thấp.

Triển vọng thị trường vàng

Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế như Fitch Solutions, World Gold Council, JP Morgan Chase, ABN-Amro Group…, giá vàng có thể diễn biến tích cực khi triển vọng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và nhiều nền kinh tế lớn đứng trước nguy cơ suy thoái trong năm 2023.

Mặc dù vậy, việc đầu tư vàng tại Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, do tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới chưa cao, chênh lệch giá mua vào - bán ra lớn dẫn đến giá vàng trong nước thường biến động rất khó lường. Thực tế, từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bởi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, theo đó, chỉ Nhà nước được độc quyền sản xuất vàng miếng, khiến cho giá vàng diễn biến không theo quy luật thị trường ở nhiều thời điểm. Ngoài ra, thị trường vàng bị cạnh tranh bởi kênh tiền gửi tiết kiệm, nên năm 2023, nhiều khả năng thị trường vàng trong nước sẽ tiếp tục kém hấp dẫn, không phải là lựa chọn đáng lưu tâm với những người muốn kiếm tìm lợi nhuận và trải nghiệm cảm xúc thị trường.

Chông chênh thị trường bất động sản

Lãi suất tăng cao, rủi ro thị trường trái phiếu và thanh khoản của các doanh nghiệp không thể xử lý nhanh chóng, việc sửa đổi Luật Đất đai cần nhiều thời gian để hoàn thiện, khó khăn, thách thức với thị trường bất động sản là điều dễ thấy trong năm 2023. Nhiều người có tiền đã chọn đứng ngoài, quan sát và chờ đợi. Chưa thấy kỳ vọng lợi nhuận, dòng tiền chưa chảy, nên thanh khoản của thị trường bất động sản năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục suy yếu. Nhu cầu đầu tư suy yếu trong khi áp lực tài chính gia tăng ở các doanh nghiệp bất động sản, nên xu hướng giảm giá bất động sản trong 2023 là hiện hữu. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản sẽ kéo dài trong bao lâu là câu hỏi lớn lúc này. Tuy nhiên, câu trả lời sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm chính sách tiền tệ năm 2023 và cách Chính phủ tháo gỡ về dòng chảy vốn trên thị trường TPDN. Theo đó, với nhà đầu tư, chọn kênh bất động sản đồng nghĩa với việc có thể mua giá thấp, nhưng sẽ chỉ thu được lợi ích nếu chấp nhận đầu tư dài hạn và chủ động được dòng tiền.

Ở góc nhìn tích cực, có thể chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn vào nửa sau 2023. Theo đó, lãi suất cho vay với lĩnh vực bất động sản sẽ có xu hướng hạ nhiệt dần. Điều này chưa thể ngay lập tức giúp thị trường phục hồi mà cần có thời gian để các chính sách thực thi. Dự báo phải đến năm 2024, thanh khoản trên thị trường bất động sản mới được cải thiện và kỳ vọng khó khăn với khối doanh nghiệp bất động sản mới giảm bớt.

Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng lấy lại những gì đã mất

Với mức giảm 35%, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phản ánh đầy đủ các rủi ro, thách thức mà doanh nghiệp và nhà đầu tư phải đối mặt trong năm 2022. Năm 2023, rủi ro mới vẫn đến khi chứng kiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, dòng tiền khan hiếm, các doanh nghiệp không dễ tạo được tăng trưởng trong bối cảnh lãi suất rất cao… Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, TTCK sẽ có các yếu tố hỗ trợ khi áp lực đồng USD tăng giá giảm bớt, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá; dòng vốn ngoại tiếp tục rót vào Việt Nam (thông qua quỹ ETF) và các tổ chức tín dụng lại có dư địa mới cấp cho doanh nghiệp... Điểm khác biệt của năm 2023 là ở chỗ TTCK Việt Nam rơi về mức định giá rẻ, trong khi các yếu tố tạo kỳ vọng trong trung - dài hạn như việc nâng hạng thị trường, Trung Quốc bỏ chính sách zero Covid-19, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine phải đến ngày kết thúc…, vẫn còn đó và sẽ mở ra tương lai mới cho TTCK Việt Nam.

Nhìn vào điểm cốt lõi - hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết - kết quả dự báo cả năm 2022 của BVS-70 (gồm 70 cổ phiếu vốn hóa lớn theo lựa chọn của BVSC) cho thấy, tăng trưởng vẫn đạt 9,5% so với năm 2021. Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tổng thể của cả nhóm BVS-70 có thể khó hơn, nhưng các cơ hội đầu tư vẫn sẽ tập trung ở một số cổ phiếu - nơi doanh nghiệp có nội lực tài chính tốt, xác lập được vị thế cạnh tranh để đi qua khó khăn chung của môi trường.

Theo thống kê, mức định giá P/E (thị giá trên thu nhập mỗi cổ phần) của VN-Index cuối năm 2022 về quanh 10 lần - là mức rất thấp so với chính mình trong nhiều năm gần đây và so với mặt bằng chung của các thị trường trong khu vực. Kỳ vọng mức định giá của chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trở lại trong năm 2023. Theo quan sát của BVSC, vùng tạo đáy cho các chu kỳ tăng trưởng lớn của VN-Index trong quá khứ rơi vào khoảng P/E từ 8 - 10 lần. Như vậy, có thể xem đây là vùng định giá tương đối hấp dẫn cho dòng tiền đầu tư trung - dài hạn giải ngân.

Đi qua năm 2022 khó khăn, TTCK Việt Nam dự báo sẽ khởi sắc trong năm 2023 để lấy lại những gì đã mất. Người có tiền nên giảm phòng thủ và truy tìm các cổ phiếu alpha (hiệu suất đầu tư) cao hoặc có mức chiết khấu sâu về định giá.

Chuyên đề