Triển khai nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2016

Năm 2016 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những biến động phức tạp, khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, do đó đòi hỏi phải rất quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN.
Dự toán thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014,5 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa
Dự toán thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014,5 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Chiều 30/12,  Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2015, triển khai nhiệm vụ tài chính- ngân sách nhà nước năm 2016. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự toán thu nội địa 785 nghìn tỷ đồng; dự toán thu dầu thô 54,5 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở sản lượng 14,02 triệu tấn, giá 60 USD/thùng); dự toán thu cân đối từ hoạt động XNK 172 nghìn tỷ đồng.

Dự toán chi NSNN là 1.273,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển NSNN là 254,95 nghìn tỷ đồng; dự toán chi thường xuyên NSNN là 824 nghìn tỷ đồng; dự toán chi trả nợ, viện trợ là 155,1 nghìn tỷ đồng (đảm bảo trả đủ các khoản nợ gốc, lãi vay nước ngoài đến hạn; đối với chi trả nợ trong nước, đảm bảo trả đủ lãi và một phần nợ, giảm mức vay đảo nợ). 

Dự toán bội chi NSNN là 254 nghìn tỷ  đồng (4,95% GDP). Tổng nhiệm vụ phải huy động trong năm 2016 là 409 nghìn tỷ đồng, mặc dù đã giảm 27 nghìn tỷ đồng so năm 2015, nhưng vẫn rất nặng nề, đòi hỏi triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Để thực hiện các nhiệm vụ được giao, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, Bộ Tài chính sẽ  thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. 

Trước những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị toàn ngành tài chính cần tập trung công tác thu NSNN, chủ động xử lý tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định. 

Cần theo dõi chặt chẽ biến động giá dầu thế giới, xây dựng các phương án, kịch bản diễn biến giá dầu thô và tính toán tác động đến cân đối NSNN để có giải pháp chủ động trong điều hành; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu NSNN. Phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô. 

Ngành tài chính sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra; chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế GTGT trong phạm vi dự toán được giao; kiên quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế. 

Bộ Tài chính cũng sẽ tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, thực hiện phân bổ vốn đầu tư XDCB theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên tập trung bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư (PPP), xử lý nợ đọng XDCB và thu hồi vốn ứng trước; phần còn lại mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã đủ thủ tục theo quy định và thực sự cấp bách.

Bộ Tài chính cũng triển khai quyết liệt công tác huy động vốn, đa dạng hóa kỳ hạn TPCP phát hành (trong đó phát hành kỳ hạn từ 5 năm trở lên khoảng trên 70%, còn lại là kỳ hạn từ 3 đến 5 năm). Phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước theo Nghị quyết của Quốc hội nếu điều kiện thuận lợi. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. Kiểm soát chặt chẽ vay nợ của chính quyền địa phương. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững... 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ  tăng cường công tác quản lý giá, góp phần kiềm chế lạm phát. Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than, xăng dầu, sữa, dịch vụ công,...); công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội... 

Thực hiện chủ trương về tái cơ cấu, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành mục tiêu đã đề ra; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thiết lập hệ thống các nhà tạo lập thị trường TPCP; thúc đẩy đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tiếp tục thí điểm cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện, nâng cao số lượng và chất lượng cung ứng dịch vụ công. 

Năm 2015, Bộ Tài chính đã chỉ đạo làm tốt hơn công tác thu NSNN; rà soát, nắm đối tượng và nguồn thu ngân sách trên địa bàn; triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; đôn đốc thu các khoản theo kết quả kiểm toán, thanh tra; thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế (tính đến tháng 12/2015 đã thu trên 39 nghìn tỷ đồng nợ thuế nội địa tại thời điểm 31/12/2015), công khai số nợ thuế của từng địa phương, từng doanh nghiệp. Nhờ vậy, kết quả thu NSNN đã đạt khá hơn dự báo. 

Đến ngày 28/12/2015, thu cân đối NSNN đạt xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng, đạt 105% dự toán, bằng 103,1% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó, thu nội địa đạt 110,9% dự toán, bằng 103,1% số báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 73,1% dự toán, bằng 111,4% số báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 98,2% dự toán và số báo cáo Quốc hội. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao. Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, Bộ Tài chính vẫn quyết liệt chỉ đạo thu NSNN để hoàn thành đến mức cao nhất thu NSTW, hạn chế cao nhất phải sử dụng đến khoản 10 nghìn tỷ đồng thu thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để hỗ trợ cân đối NSTW năm 2015. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư