Tranh thủ thời gian vàng thu hút FDI từ EU

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều ý kiến, Việt Nam đang trong khoảng “thời gian vàng” để tranh thủ thu hút dòng vốn chất lượng cao từ Liên minh châu Âu (EU). Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại châu Âu vừa kết thúc cuối tuần trước, tiếp tục mở thêm những cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư mới vào những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu, EU có thế mạnh.
Lĩnh vực cảng và logistics của Việt Nam được nhiều nhà đầu tư EU quan tâm. Ảnh: Lê Tiên
Lĩnh vực cảng và logistics của Việt Nam được nhiều nhà đầu tư EU quan tâm. Ảnh: Lê Tiên

Sau khi đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào Việt Nam, ông Dolf van den Brink, Tổng giám đốc toàn cầu của Heineken - Hãng bia lừng danh của Hà Lan tiết lộ ý định đầu tư tiếp 500 triệu USD trong vòng 10 năm tới.

Ông Arnout Damen, Giám đốc điều hành Hãng đóng tàu Damen Shipyards Gorinchem (Hà Lan) cũng chia sẻ dự định đầu tư thêm 100 triệu USD trong lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam, đồng thời mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giao thông giảm phát thải carbon.

Lãnh đạo SMS - một tập đoàn lớn của Luxembourg cung cấp công nghệ luyện kim trên phạm vi toàn cầu, báo cáo kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh trong ngành gang thép theo định hướng phát triển xanh, sạch và thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tập đoàn Hateco của Việt Nam và các đối tác Bỉ là Công ty Dredging International NV và Công ty Rent A Port đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, khảo sát, nghiên cứu việc phát triển một trung tâm cảng và dịch vụ logistics phù hợp quy hoạch cảng biển và quy định pháp luật Việt Nam. Tổng giám đốc điều hành Brussels Airport, ông Piet Demunter, thì thông báo về dự kiến mở đường bay thẳng Bỉ - Việt Nam.

Đó là 5 trong số nhiều cam kết, kế hoạch, dự kiến đầu tư của doanh nghiệp các nước Hà Lan, Bỉ, Luxembourg trong khuôn khổ chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại châu Âu và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - EU.

Thông tin tới báo chí về kết quả chuyến làm việc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm, tại mỗi nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với lãnh đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Theo đó, có 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp đã được ký kết nhân chuyến công tác của Thủ tướng.

Các doanh nghiệp đánh giá cao tiềm năng phát triển, các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, kế hoạch đầu tư vào những lĩnh vực mà EU có thế mạnh như logistics, nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm, cảng biển, tài chính...

Sau chuyến làm việc lần đầu tiên tại châu Âu của Thủ tướng hồi tháng 11 năm 2021, dự Hội nghị COP26, chuyến đi này đang mở ra những cơ hội mới trong thu hút FDI của EU vào Việt Nam tương xứng với tiềm năng.

Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có cơ hội, lợi thế lớn thu hút đầu tư từ EU, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được ký kết. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam, hiện nay trong khu vực ASEAN chỉ có Việt Nam và Singapore có FTA với EU. Việt Nam có lợi thế của người đi trước, nhưng lợi thế này có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn, vì định hướng của cả ASEAN và EU là ký một FTA giữa hai khu vực. Việt Nam cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” khi định hướng này chưa được hiện thực hóa để thâm nhập thị trường, cũng như thu hút FDI từ các nước EU.

Bên cạnh đó, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, với EVFTA, chúng ta không chỉ kỳ vọng tăng thu hút đầu tư từ EU, mà còn thu hút dòng đầu tư của các nước khác vào Việt Nam rồi từ đó xuất khẩu sang EU.

Hiện nay, theo số liệu về thu hút đầu tư nước ngoài đến 20/11/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư của EU vào Việt Nam còn khiêm tốn. Hà Lan là thành viên EU đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, đứng thứ 8 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ với 13,7 tỷ USD vốn đăng ký còn hiệu lực. Anh, Pháp, Luxembourg, Đức, Bỉ, Đan Mạch là các quốc gia có đầu tư trên 1 tỷ USD tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 15,7 tỷ USD. Các quốc gia còn lại đầu tư rất ít, vài chục đến vài trăm triệu USD. Những con số này thấp hơn rất nhiều khi so sánh với các quốc gia khu vực châu Á (Hàn Quốc 80,8 tỷ USD, Singapore 70,7 tỷ USD, Nhật Bản 68,7 tỷ USD…). Đầu tư của EU chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số doanh nghiệp EU đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là logistics và gần đây, Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư EU vào lĩnh vực điện gió gần bờ và ngoài khơi, năng lượng mặt trời…

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, số liệu chưa phản ánh hết năng lực đầu tư của EU vào Việt Nam, vì có thể có nhiều dòng vốn đi qua nước thứ ba. Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, doanh nghiệp EU rất quan tâm đến Việt Nam khi là nền kinh tế có độ mở lớn, ký nhiều FTA song phương và đa phương. Tuy nhiên, kết quả đầu tư còn khiêm tốn, đòi hỏi Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt hơn các điều kiện về hạ tầng, chất lượng thể chế, chính sách sở hữu trí tuệ, chất lượng nguồn nhân lực… để đáp ứng yêu cầu của dòng vốn chất lượng cao từ EU.

Chuyên đề