Tranh cãi quanh việc “bêu” tên dự án BĐS bị cầm cố

(BĐT) - Không ít chủ đầu tư ”choáng”, người tiêu dùng tá hỏa kể từ thời điểm Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố danh sách các dự án thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM tỏ ra bức xúc khi có tên trong danh sách 77 dự án thế chấp ngân hàng. Ảnh: Quang Tuấn
Nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM tỏ ra bức xúc khi có tên trong danh sách 77 dự án thế chấp ngân hàng. Ảnh: Quang Tuấn

“Trúng” nhưng chưa “đúng”

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL) khẳng định, QCGL không có dự án nhà ở thương mại nào đang thế chấp, dù có nhiều dự án đang xây dựng, đang mở bán và kể cả dự án sắp giao nhà. Ngay cả dự án rất dễ thế chấp là dự án số 24 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM, QCGL vẫn không vay và đang giao nhà cho đối tác BIDV. Trên thực tế, QCGL chỉ vay duy nhất một dự án nhà ở xã hội 6B với lãi suất ưu đãi 5% để cấu thành giá thành rẻ bán cho khách hàng thu nhập thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) này vẫn có tên nằm trong danh sách bị bêu tên.

Tương tự, một số DN bất động sản (BĐS) như Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland Group) cũng buộc phải lên tiếng phản hồi khi bị bêu tên 4 dự án thế chấp, trong đó có 2 chung cư và 2 khu dân cư nằm ở phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Tuy nhiên, đại diện truyền thông của Novaland cho rằng, thực tế Novaland chỉ thế chấp phần còn lại của dự án và khoảng 20 căn tại Sunrise City South do chính chủ đầu tư sở hữu chứ không phải thế chấp 152 căn hộ và 4 khu trung tâm thương mại tầng trệt, tầng 1, 2, 3 như thông báo.

Một DN khác cũng không mấy hài lòng là Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt khi bị nêu tên dự án cầm cố: chung cư cao tầng kết hợp trung tâm thương mại tại thửa 18, tờ 27, phường 4, quận 5 tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo Công ty này cho biết, ngoài việc kiến nghị với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM về những bất cập của danh sách nói trên, Phát Đạt còn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cần thận trọng, chính xác khi công bố thông tin ra bên ngoài, bởi vì người tiêu dùng rất hoang mang với những thông tin nhạy cảm.

Phải bảo vệ người tiêu dùng

Không phải người tiêu dùng nào cũng thông thái khi tìm hiểu thông tin, tính pháp lý về dự án, mà dường như hay nặng về việc quan tâm đến giá cả
Trên thực tế, trong số 77 dự án đã nêu trên, không phải trường hợp nào cũng bị bêu tên oan. Có nhiều dự án, khách hàng đã mòn mỏi chờ đợi “sổ hồng” rất lâu, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Chung cư Minh Thành ở phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM là một ví dụ. Nhiều năm qua, cư dân của dự án này đã đóng đủ 100% tiền, nhưng vẫn không có “sổ hồng”. Phải đến khi Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách họ mới hiểu rõ vì sao lâu nay chủ đầu tư khất hết lần này đến lần khác. Được biết, dự án này đang cầm cố để vay ngân hàng 60 tỷ đồng. Điều đáng nói, dù đã nhiều lần Ban quản trị chung cư cùng cư dân và các sở, ngành, chính quyền địa phương ngồi lại cùng tháo gỡ, nhưng kết quả nhận được chỉ là lời hứa của chủ đầu tư.

Một điều khá bất ngờ và khó hiểu trong đợt công bố vừa rồi là việc nêu đích danh những khách hàng là người nước ngoài thế chấp căn hộ của mình để vay ngân hàng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng, việc làm này là chưa phù hợp, thậm chí còn đi ngược lại quyền lợi của người tiêu dùng, điều mà lẽ ra họ cần phải được bảo vệ. “Họ chỉ là những cá nhân, thế chấp dự án vay tiền mua chính dự án này hay vay tiền vào việc khác là điều hết sức bình thường, do đó việc công bố sẽ ảnh hưởng đến bí mật làm ăn của họ”, ông Châu phân tích.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, phần lớn các công ty phát triển dự án BĐS đều cho rằng, việc cầm cố dự án là không sai luật. Cũng chính vì lý do đó, nên sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố 77 dự án BĐS đang thế chấp ngân hàng, nhiều DN có tên trong danh sách đã đến Sở này khiếu nại và đòi minh oan.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, mục đích của việc công bố vừa rồi là minh bạch thông tin để người dân nắm rõ, không bị lừa. Tới đây, Sở sẽ tiếp tục công bố đợt 2 sau khi rà soát các dự án mới. “Rủi ro khi mua những căn hộ bị thế chấp là cư dân không có “sổ hồng” để nhập hộ khẩu. Mặt khác, khi có nhu cầu vay tiền, họ không có sổ để làm thủ tục thế chấp ngân hàng. Lỗi này, trước hết do nhiều chủ đầu tư bưng bít thông tin, tiến độ và những vấn đề pháp lý liên quan đến dự án. Trong khi đó, không phải người tiêu dùng nào cũng thông thái khi tìm hiểu thông tin, tính pháp lý về dự án, mà dường như hay nặng về việc quan tâm đến giá cả” - vị đại diện này giải thích thêm.

Chuyên đề