Hình ảnh ghi lại trận hải chiến trên biển Coral
Hải chiến biển Coral năm 1942 giữa Nhật Bản và liên quân Mỹ-Autralia là lần đầu tiên các tàu sân bay đối đầu trực tiếp với nhau trong lịch sử thế giới, theo War History.
Mùa xuân năm 1942, để cô lập Australia và dụ Mỹ giao tranh, các chiến lược gia Nhật Bản thông qua kế hoạch gồm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là chiến dịch MO, đặt theo tên chữ cái trong tiếng Nhật của cảng Moresby, nhằm chiếm đảo Tulagi ở phía nam quần đảo Solomon, sau đó thiết lập căn cứ hải quân để kiểm soát phía bắc vùng biển Coral, đổ bộ lên cảng Moresby phía nam New Guinea, giúp tàu sân bay Nhật vươn tới miền bắc Australia.
Hải quân Nhật đã sử dụng lực lượng cảnh giới và tấn công để chiếm đảo Tulagi và cảng Moresby. Chuẩn đô đốc Takagi chỉ huy tàu Shokaku và Zuikaku, hai tàu sân bay mới nhất của Nhật Bản khi đó. Ngoài ra, còn có biên đội tàu hộ tống gồm tuần dương hạm hạng nặng Myoko và Haguro, khu trục hạm Ariake, Yugure, Shigure, Shiratsuyu, Ushio, Akebono và tàu tiếp liệu Toho Maru, cùng một lực lượng đổ bộ hùng hậu lên cảng Moresby.
Tuy nhiên, nhờ thông tin tình báo, Mỹ đã nắm được kế hoạch này và hiệp đồng với Australia để đối phó. Đội ngũ giải mã cho biết chiến dịch tập kích Moresby dự kiến diễn ra ngày 3/5, đồng thời hải quân Nhật Bản sẽ băng qua vùng biển Coral, điều này giúp Mỹ tổ chức mai phục.
Phía Mỹ triển khai lực lượng tác chiến tàu sân bay do chuẩn đô đốc Frank J. Fletcher chỉ huy gồm 10 tuần dương hạm cùng hai cụm tàu sân bay Yorktown (CV-5), Lexington (CV-2) và khu trục hạm Morris (DD-417), Anderson (DD-411), Hammann (DD-412) và Russell (DD-414), cùng lực lượng tàu yểm trợ và tiếp liệu.
Ngày 3/5, Nhật Bản chiếm được đảo Tulagi. Mỹ điều 12 oanh tạc cơ ngư lôi cùng 28 oanh tạc cơ bổ nhào tấn công, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một khu trục hạm và đánh chìm ba tàu quét mìn.
Ngày 5/5, lực lượng Nhật Bản do đô đốc Takagi chỉ huy đi vào vùng biển Coral, trong khi chuẩn đô đốc Fletcher di chuyển theo hướng tây bắc, hướng về lực lượng đổ bộ cảng Moresby của Nhật Bản mà không hề biết về quy mô và vị trí của đối phương.
Các máy bay do thám Nhật quần thảo trên không theo dõi tàu Mỹ và thông báo cho chiến hạm của họ trong khu vực. Oanh tạc cơ Mỹ cuối cùng cũng tấn công và đánh chìm một khu trục hạm đồng minh, làm hơn 375 người thiệt mạng. Trong lúc bối rối, phi công đã nhầm tưởng tàu bạn là đối phương và bắt đầu dội bom.
Quá trình cơ động của hai phe trong trận hải chiến. Ảnh:Dels Journey.
Ngày 6/5, cả hai phe cách nhau chỉ 11 km nhưng chưa phát hiện ra nhau do thời tiết xấu cản trở máy bay trinh sát. Ngày hôm sau, do báo cáo trinh sát không chính xác, cả hai phía đều tiến hành các cuộc tấn công đường không quy mô lớn.
Đô đốc Takagi điều lực lượng đến phía nam-tây nam, nơi tàu tiếp liệu Neosho và khu trục hạm Sims của Mỹ bị hiểu nhầm là tàu sân bay và tàu tuần dương. Cả hai tàu Mỹ đều bị phá hủy. Chuẩn đô đốc Fletcher ra lệnh điều lực lượng lớn tấn công hai tàu sân bay Nhật, nhưng thực chất đó chỉ là nhóm cảnh giới dưới quyền chuẩn đô đốc Goto.
Quân Mỹ tiếp tục tấn công chiến hạm Nhật Bản nhờ máy bay do thám chỉ thị mục tiêu. 93 máy bay Mỹ đã tập kích hai tàu sân bay hạng nhẹ và hai tàu vũ trang trong biên đội hộ tống. Một nhóm khá đánh chìm tàu sân bay hạng nhẹ Shoho, sau khi nó trúng 13 quả bom và 7 ngư lôi.
Hải quân Nhật Bản đáp trả trong buổi chiều và ban đêm bằng cách triển khai máy bay xuất kích đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, do thời tiết xấu và kế hoạch không có sự chuẩn bị kỹ càng, đợt phản công này trở thành thảm họa. Trong số 27 máy bay xuất kích thực hiện nhiệm vụ, chỉ có 6 chiếc trở về an toàn. Một số báo cáo cho thấy phi công Nhật trong lúc rối trí đã hạ cánh xuống tàu sân bay Mỹ.
Đỉnh điểm trận hải chiến diễn ra hôm 8/5, khi hải quân Nhật Bản rút toàn bộ tàu chiến để tàu sân bay tấn công. Lực lượng hai bên khá cân bằng, mỗi tàu sân bay đều mang theo 20 máy bay. Phi cơ trinh sát hai bên phát hiện ra vị trí đối phương từ cách gần 320 km.
Cả hai phe đều sử dụng máy bay để tấn công tàu sân bay của nhau. Lúc 10h57, oanh tạc cơ Mỹ tấn công tàu sân bay Shokaku gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu và bị tiêm kích Zero đáp trả, nhưng cuối cùng cũng thả một quả bom 450 kg trúng tàu.
Trung úy John Power trên một máy bay bốc cháy tiếp tục bồi thêm một quả bom tương tự, sau đó lao vào tàu Shokaku khiến nó bị hư hỏng và bốc cháy. Thiệt hại của Shokaku nặng tới mức máy bay chỉ có thể hạ cánh chứ không thể xuất kích, buộc các phi đội phải sơ tán sang tàu sân bay Zuikaku đang ẩn mình an toàn trong mưa bão.
Trong đợt phản công của Nhật Bản, tàu sân bay USS Lexington bị trúng bom và ngư lôi làm kho đạn phát nổ và bốc cháy, buộc thủy thủ đoàn phải bỏ tàu nhưng không có tổn thất con người. Một khu trục hạm Mỹ sau đó phóng 5 quả ngư lôi để đánh chìm tàu sân bay này. Sau trận đánh, cả hai bên đều rút quân.
Máy bay Nhật ghi lại cảnh tàu sân bay USS Lexington bốc cháy dữ dội. Ảnh:Wikipedia.
Kết thúc trận chiến biển Coral, Nhật Bản hủy kế hoạch xâm chiếm New Guinea vì lo sợ Mỹ tiếp tục đánh chìm thêm tàu sân bay. Cả hai phe đều tuyên bố chiến thắng, Nhật thành công về chiến thuật khi đánh chìm được nhiều tàu địch với tổn thất chỉ là một tàu sân bay hạng nhẹ, Mỹ thắng lợi về chiến lược dù mất một tàu sân bay cỡ lớn.
Đây là lần đầu tiên Mỹ chặn đứng được một cuộc xâm lược của Nhật Bản trong Thế chiến II, đồng thời gây thiệt hại cho tàu sân bay Shokaku và Zuikaku, khiến chúng không thể tham gia trận đánh then chốt ở Midway sau đó một tháng.