TPP và bài học WTO

(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ ngành chức năng sớm trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vấn đề đặt ra hiện  nay là làm thế nào để tận dụng được cơ hội, hoá giải thách thức mà TPP mang lại khi bài học WTO vẫn còn nguyên tính thời sự.
Năng suất lao động thấp là một thách thức với Việt Nam trong hội nhập. Ảnh: Tất Tiên
Năng suất lao động thấp là một thách thức với Việt Nam trong hội nhập. Ảnh: Tất Tiên

Cuối năm sẽ phê chuẩn TPP

Theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TPP có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta, cả về kinh tế, chính trị. Mặc dù Hiệp định chưa có hiệu lực nhưng đã bắt đầu mang lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam và dự báo sẽ tác động tích cực đến tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội.

Việc sớm phê chuẩn TPP, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực trong TPP; góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hệ thống pháp luật trong nước để sẵn sàng thực thi hiệu quả các cam kết; đồng thời có đủ thời gian để doanh nghiệp, người dân và toàn bộ xã hội chuẩn bị, chủ động tham gia khi Hiệp định có hiệu lực.

Nhớ lại thời kỳ Chính phủ hoàn tất hồ sơ, báo cáo để trình Quốc hội phê chuẩn Nghị Định thư gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cách đây 10 năm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết, từ nghị trường Quốc hội cho đến cộng đồng doanh nghiệp và hầu hết người dân, ai ai cũng hồ hởi, phấn khởi khi nghĩ đến viễn cảnh nền kinh tế sẽ cất cánh, sẽ thành rồng, thành phượng khi bước vào sân chơi toàn cầu.

Nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi khó khăn khiến bội chi gần như tăng liên tục từ mức 4,4% GDP năm 2011 tăng lên 5,36% vào năm 2012; 6,6% vào năm 2013; 5,69% vào năm 2014 và 6,1% vào năm 2015.
“Rất nhiều người đã tin rằng, chỉ cần tham gia WTO thì xuất khẩu sẽ tăng thế này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng thế kia, tăng trưởng kinh tế không chỉ cải thiện về tốc độ mà còn nâng cao được chất lượng, số lượng công ăn việc làm được giải quyết sẽ rất lớn… “Đời không như mơ”, kết quả đạt được sau 9 năm gia nhập WTO không thể phủ nhận, nhưng không đạt được như kỳ vọng”, ông Phúc nhận xét và cho rằng, trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết tham gia TPP (dự kiến vào cuối năm nay), tại Kỳ họp này, Quốc hội phải xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đặt ra thật cụ thể, thật chi tiết và quan trọng hơn là phải đặt trong bối cảnh 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương, trong đó có TPP đã và sắp có hiệu lực. 

Đời không như là mơ

Không thể phủ nhận những thành quả mà nền kinh tế gặt hái được sau khi Việt Nam tham gia các FTA. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% vào năm 2015; mặt bằng lãi suất năm 2015 giảm 40% so với năm 2011; thị trường ngoại hối ổn định; cán cân thương mại được cải thiện (chỉ thâm hụt tổng cộng 9,8 tỷ USD), cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có hướng chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng 17,5%/năm…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi khó khăn khiến bội chi gần như tăng liên tục từ mức 4,4% GDP năm 2011 tăng lên 5,36% vào năm 2012; 6,6% vào năm 2013; 5,69% vào năm 2014 và 6,1% vào năm 2015. Nợ công, nợ nước ngoài, nợ chính phủ tăng liên tục, đã và đang vượt ngưỡng cho phép.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực giá rẻ, vì vậy, tham gia các FTA, Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo động lực để tăng vốn đầu tư toàn xã hội. Thế nhưng, trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt 31,7% GDP thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 33,5 - 35% GDP, trong đó, vốn đầu tư của khu vực dân cư, tư nhân và vốn FDI chỉ chiếm khoảng 57% tổng nguồn vốn.

Gia nhập FTA, Việt Nam kỳ vọng tận dụng được công nghệ, thiết bị, dây chuyển, máy móc tiên tiến của nước ngoài đưa vào cùng nguồn vốn đầu tư để nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, theo giá so sánh năm 2010 thì năm 2015, năng suất lao động bình quân của người Việt Nam chỉ đạt 54,4 triệu đồng, tăng vỏn vẹn 8,9 triệu đồng so với năm 2011. Trong đó, năng suất lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản - thế mạnh của Việt Nam khi tham gia các FTA chỉ tăng vỏn vẹn 2,8 triệu đồng, từ 17,4 triệu đồng lên 20,2 triệu đồng.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Bùi Đức Thụ đánh giá, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đạt được sau khi gia nhập hàng loạt FTA là “tạm chấp nhận được”, nhưng nợ công, bội chi, năng suất lao động… thì rất đáng lo ngại. “Tham gia TPP, sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn các FTA cũ rất nhiều, trong bối cảnh năng suất lao động thấp, quản trị kém nên số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động chắc chắn không nhỏ, kéo theo thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn và hệ quả tất yếu sẽ tác động tới bội chi, nợ công”, ông Thụ cảnh báo. Vì vậy ông Thụ cho rằng, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới nên tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững được các cán cân kinh tế lớn thay vì phát triển bằng mọi giá.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại WTO, ông Ngô Quang Xuân nhận định, so với các FTA khác, kể cả WTO thì TPP cực kỳ phức tạp, nên nhiều nước có tâm lý chờ đợi nhau phê chuẩn. Trong thời gian này họ chuẩn bị rất kỹ các điều kiện để khi TPP có hiệu lực “đã đánh là thắng”. “Có lẽ chúng ta nên rà soát lại từng điều khoản, cân nhắc lại thiệt hơn để trình Quốc hội nghiên cứu, nếu thấy tham gia TPP thực sự đem lại lợi ích cho đất nước thì nên sớm ký kết, còn ngược lại cũng không nên quá vội vã, không phấn đấu trở thành một trong những nước đầu tiên phê chuẩn TPP”, ông Xuân phát biểu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư