TPP: Không xem nhẹ mắt xích truyền thông

(BĐT) - Khác với tất cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có rất nhiều nội dung mang tính đột phá và có tiêu chuẩn rất cao. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về TPP đang được thực hiện rất hời hợt. 
Cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội DN và cơ quan thông tin đại chúng phải cùng vào cuộc tuyên truyền về TPP. Ảnh: Lê Tiên
Cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội DN và cơ quan thông tin đại chúng phải cùng vào cuộc tuyên truyền về TPP. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp hiểu về TPP rất lơ mơ

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, TPP với tiêu chuẩn cao, đề cập không chỉ các lĩnh vực hợp tác thương mại và đầu tư truyền thống, mà còn bao hàm những vấn đề rất xa lạ đối với Việt Nam như quy định về lao động, công đoàn, môi trường, mua sắm chính phủ… Riêng về mở cửa thị trường, 12 nước tham gia TPP nhất trí xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh đáng kể cho doanh nghiệp cũng như góp phần bảo đảm các lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Vấn đề là phải tuyên truyền cho doanh nghiệp hiểu họ có lợi thế cạnh tranh gì, gặp bất lợi gì.

Ông Hoàng cho rằng, vì tác động đến hầu hết mọi hoạt động kinh tế - xã hội nên công tác tuyên truyền về TPP phải được đặc biệt coi trọng, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp, mà bản thân cơ quan thông tin đại chúng cũng phải vào cuộc.

Cụm từ “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP” được nhắc tới liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong mọi diễn đàn, hội nghị nhưng có bao nhiêu trong số hơn 500.000 doanh nghiệp - đối tượng bị tác động mạnh bởi Hiệp định này - hiểu về TPP? Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết về TPP vô cùng thấp, nguyên nhân là do công tác truyên truyền chưa đến đầu đến đũa.

Là người từng tham gia đàm phán, trực tiếp ký kết nhiều FTA, ông Tuyển lo ngại, công tác tuyên truyền TPP nếu không chấn chỉnh cũng sẽ giống như đối với các FTA trước đây. Theo ông Tuyển, Việt Nam rất tích cực, chủ động trong đàm phán hội nhập, nhưng khi đã bước chân vào hội nhập thì lơ là. Doanh nghiệp không hiểu được mình được gì, mất gì; tận dụng cơ hội ra sao, hóa giải khó khăn, thách thức thế nào nên cơ hội thành công với tuyệt đại đa số doanh nghiệp không nhiều vì công tác tuyên truyền hậu đàm phán, ký kết không được quan tâm thích đáng. 

Nông dân cũng phải được tuyên truyền về hội nhập

Tham gia TPP, ông Nguyễn Anh Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, rất lo lắng cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Bởi theo ông, người nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đặc biệt là tình trạng sử dụng hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng sức khỏe cho chính đồng bào mình. “Chưa tính tới chuyện xuất khẩu rau củ quả, để giữ được thị trường nội địa, công tác tuyên truyền về TPP nói riêng, các FTA nói chung cần phải thực hiện bài bản, liên tục trong thời gian dài kiểu “mưa dầm thấm lâu”, nếu không rau củ quả nhập khẩu sẽ tràn ngập thị trường nội địa”, ông Sơn cảnh báo.

Hàng rào thuế quan sắp sửa bị vô hiệu hóa hoàn toàn khi thực hiện hàng loạt FTA đã và sắp có hiệu lực, đặc biệt là TPP nên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông rất lo ngại khi mà người nông dân vẫn quanh quẩn với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì”.

“Nếu vẫn còn loay hoay với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì”, nay trồng, mai bỏ, sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, chúng ta sẽ bị mất thị trường tiêu thụ 93 triệu dân - thị trường mơ ước của tất cả các nhà sản xuất trên thế giới - vì họ bởi sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao, giá thành hạ. Muốn giữ được thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người nông dân hiểu và tham gia kinh tế tập thể, phải hợp tác với nhau trong một tổ chức là hợp tác xã để sản xuất quy mô lớn, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Đông nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyên Văn Giàu lo nhất là nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị tác động tiêu cực khi tham gia TPP. Bởi hiện nay, hai nhóm đối tượng này hầu như chưa được tuyên truyền, phổ biến gì về các nội dung Hiệp định liên quan trực tiếp đến họ. “Công tác truyên truyền về chiều rộng chưa được bao nhiêu, về chiều sâu thì chưa tới nơi tới chốn. Sau mỗi lần cơ quan quản lý nhà nước hay hiệp hội doanh nghiệp nào đó tổ chức hội thảo về hội nhập, về TPP, các phương tiện thông tin đại chúng chỉ “rộ” lên được vài ngày, sau đó thì “bặt vô âm tín”. Cũng không trách báo chí được, vì họ làm gì có nguyên liệu để tuyên truyền”, ông Giàu nhấn mạnh đồng thời cũng cho rằng, từ nay đến khi TPP có hiệu lực (dự kiến vào giữa năm 2018), công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh, phải làm đến nơi đến chốn nếu không sự thua thiệt trong sân chơi lớn này với nhiều ngành hàng, lĩnh vực hoàn toàn có thể xảy ra. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư