TP.HCM tung loạt dự án PPP hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa vừa được UBND TP.HCM trình HĐND Thành phố thông qua, trong đó có nhiều dự án với quy mô lớn đã cho thấy tính hấp dẫn của phương thức đầu tư này tại thành phố có nền kinh tế năng động nhất cả nước.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Làm rõ cơ sở lựa chọn, loại hợp đồng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM, nhu cầu thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa trên địa bàn Thành phố là rất lớn và cần thiết.

Tuy nhiên, để việc lựa chọn các dự án mang tính khả thi, có sự chọn lọc, phù hợp với quy định pháp luật về PPP, Nghị quyết số 98/2023/QH15 và định hướng chiến lược phát triển của Thành phố, đồng thời hạn chế việc đầu tư dàn trải ảnh hưởng đến chi phí xã hội của người dân và doanh nghiệp, Sở KH&ĐT TP.HCM đã đề xuất cơ sở lựa chọn các dự án theo nhóm tiêu chí sau: sơ bộ tổng mức đầu tư và đáp ứng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa theo quy định của Thành phố; đáp ứng ngành, lĩnh vực theo quy định.

"Cơ sở quan trọng nhất là dự án phải thể hiện đúng bản chất dự án PPP theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Trong đó, cần xác định sản phẩm, dịch vụ công là các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư. Thông qua việc đầu tư theo phương thức PPP, Nhà nước hợp tác với nhà đầu tư tư nhân để thực hiện các công trình, cơ sở hạ tầng, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nhằm giảm áp lực lên ngân sách nhà nước", đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM chia sẻ.

TP.HCM đã có quá trình tổng hợp danh mục các dự án rất kỹ lưỡng. Theo đó, Sở KH&ĐT, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh danh mục các dự án đề xuất đầu tư theo phương thức PPP thuộc lĩnh vực quản lý.

"Thành phố lưu ý cần làm rõ loại hợp đồng đề xuất thực hiện cho từng dự án phải mang tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố khi triển khai thực hiện", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết.

Nhiều dự án theo hợp đồng BOT

Từ các bước chuẩn bị nói trên, TP.HCM trình danh mục dự án PPP gồm 41 dự án. Trong đó, 6 dự án thuộc lĩnh vực y tế; 12 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo và 23 dự án thuộc lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Trong lĩnh vực y tế, cả 6 dự án đề xuất đều áp dụng hình thức hợp đồng BOT, không có sự tham gia của vốn nhà nước trong dự án. Trong đó, Dự án Xây dựng Khu khám điều trị dịch vụ tại Khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với quy mô 300 giường (4 tầng hầm và 15 tầng cao) có tổng mức đầu tư lớn nhất (dự kiến 3.500 tỷ đồng). Dự án được TP.HCM đánh giá đạt ở tất các tiêu chí cơ sở lựa chọn. Tiếp đó là Dự án Xây dựng Bệnh viện Đột quỵ TP.HCM với quy mô 500 giường, tổng mức đầu tư là 1.500 tỷ đồng; Dự án Xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng…

Dự án Xây dựng Trường Mầm non Quận 8 với tổng mức đầu tư 491 tỷ đồng là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Riêng lĩnh vực thể thao và văn hóa - điểm đặc thù thí điểm áp dụng theo Nghị quyết 98 được đánh giá rất phù hợp với Thành phố khi có tới 23 dự án được công bố với nhiều dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Trong số này, có dự án quy mô rất lớn là Dự án Xây dựng mới sân vận động chính có bố trí đường chạy điền kinh (khán đài 50.000 chỗ ngồi) tại Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức) với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó là Dự án Xây dựng mới nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời có tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng…

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, danh mục dự án được Thành phố ban hành nhằm khuyến khích, mời gọi nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, thực hiện theo đúng phương thức PPP. "Trong quá trình triển khai, căn cứ vào tính cấp bách của dự án, tình hình quan tâm của các nhà đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách của Thành phố để đề xuất thực hiện dự án", đại diện HĐND TP.HCM cho biết.

Trong khi đó, theo Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM, các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị thuộc nhóm lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, văn hóa thể thao được hỗ trợ toàn bộ lãi suất. Đây là nền tảng rất quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm và tham gia nhiều hơn vào các dự án PPP trên các lĩnh vực này trong thời gian tới.

Chuyên đề