TP.HCM tìm nguồn lực phát triển hạ tầng logistics

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND TP.HCM đang giao các đơn vị liên quan đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, tập trung triển khai phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tìm hiểu nhu cầu vay vốn đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện Kế hoạch tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.
TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới. Ảnh: Lê Tiên

Kế hoạch này nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, TP.HCM sẽ phát triển logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở chủ động xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững, tích hợp, tối ưu hóa và quản lý hiệu quả để nâng cao khả năng linh hoạt, nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của thị trường; trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP.HCM đề ra nhóm 6 giải pháp gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước; phát triển hạ tầng; nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển; huy động và tăng cường vốn đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong đó, về phát triển hạ tầng, Thành phố sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông vận tải và hệ thống trung tâm logicstics. Đối với đường bộ, TP.HCM sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng kết nối đến khu vực bến cảng Tân Cảng - Cát Lái, khu vực cảng Hiệp Phước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư các tuyến vành đai, cao tốc và đường kết nối đến các cảng biển chính như cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 3, Vành đai 4 - TP.HCM; đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu kết nối với đường Vành đai 3... Đặc biệt, các tuyến đường kết nối đến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các bến cảng tiềm năng (khu vực Bình Khánh, cửa sông Ngã Bảy và khu vực cù lao Gò Gia) cũng sẽ được tập trung đầu tư.

Trong giai đoạn 2030 - 2050, TP.HCM đầu tư kéo dài trục động lực phía Nam đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối với đường ven biển; nghiên cứu đầu tư trục giao thông ven biển phía Nam từ Gò Công (tỉnh Tiền Giang) đến cảng Cần Giờ, cảng Phước An và cao tốc Bến Lức - Long Thành nhằm hỗ trợ cho các cụm cảng biển tại Cần Giờ, Cái Mép - Thị Vải và định hình hành lang kinh tế ven biển mới Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - TP.HCM - Tiền Giang; đầu tư xây dựng trục động lực mới phía Tây huyện Cần Giờ.

Ngoài đường bộ, TP.HCM tập trung triển khai đầu tư các trung tâm logistics. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030, thực hiện loạt dự án gồm: Trung tâm logistics Cát Lái (giai đoạn 1 năng lực thông quan 3.100.000 - 3.500.000 TEU; giai đoạn 2 năng lực thông quan 800.000 TEU); Trung tâm logistics Linh Trung (năng lực thông quan 480.000 - 520.000 TEU); Trung tâm logistics Long Bình (năng lực thông quan 750.000 - 800.000 TEU); Cảng Cạn - Trung tâm logistics Khu công nghệ cao (năng lực thông quan 60.000 TEU); Trung tâm logistics Tân Kiên (năng lực thông qua 450.000 - 500.000 TEU); Trung tâm logistics Hiệp Phước (năng lực thông quan 1.430.000 - 1.600.000 TEU); Trung tâm logistics Củ Chi (năng lực thông quan 282.150 - 319.770 TEU).

Sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển Trung tâm logistics Tân Hiệp (năng lực thông quan 1.500.000 - 1.600.000 TEU) và Trung tâm logistics Bình Khánh (năng lực thông quan 250.000 - 300.000 TEU).

Theo ý kiến của Hiệp hội Logistics TP.HCM, để hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn đã định, TP.HCM cần xây dựng cơ chế, chính sách để huy động tối đa nguồn lực, vốn đầu tư phát triển lĩnh vực logistics, giao thông.

UBND TP.HCM thì cho biết, về giải pháp tạo nguồn lực, Thành phố sẽ triển khai có hiệu quả Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn. Triển khai Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó có đối tượng là “Dự án đầu tư phục vụ việc phát triển hạ tầng logistics với mức được ngân sách hỗ trợ 50% lãi suất”... Đồng thời, TP.HCM khai thác nguồn lực đất đai, đẩy mạnh việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá tạo nguồn vốn cho ngân sách, thực hiện dự án để phát triển hạ tầng logistics.

Chuyên đề