Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 60-KL/TW cho thấy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột có bước phát triển khá, cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra. |
Ngày 28/03/2019, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị “Tổng kết Kết luận 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020); Phương hướng xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 60-KL/TW cho thấy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột có bước phát triển khá, cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra.
Về huy động vốn cho phát triển đô thị, giai đoạn 2010 - 2018, địa bàn nội thành Thành phố đã được phê duyệt 35 dự án phát triển đô thị (theo quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư đô thị) với tổng diện tích 523,4ha (tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước 2010). Đến nay, đã có 22 dự án đã và đang triển khai với tổng diện tích 379 ha chiếm 72,4% diện tích dự án xây dựng phát triển đô thị.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng được quan tâm đầu tư, trong đó chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kết nối vùng Tây Nguyên, dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành và vận hành từ năm 2015, tạo thông thương thuận lợi, kết nối Buôn Ma Thuột với các đô thị vùng Tây Nguyên (Pleiku; Kon Tum; Gia Nghĩa…). Đồng thời, đã nâng cấp đoạn qua đô thị (dài 23,6km), Quốc lộ 26 (dài 151km, đi Nha Trang ), Quốc lộ 27 (dài 212km, đi Đà Lạt) hiện đạt cấp III, IV miền núi, hoạt động đảm bảo giao thông kết nối vùng. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột được đầu tư nâng cấp, kết nối với các tỉnh, thành phố lớn trong nước.
Thành phố cũng đang tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP và nhiều dự án kêu gọi đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, các nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ODA, vốn trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ngân sách Tỉnh để đầu tư các dự án trọng điểm của Thành phố trên một số lĩnh vực. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2018 đạt 33.402 tỷ đồng, bằng 66,81% so với kế hoạch (NQ giai đoạn 2016 - 2020 là 50.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Kết luận 60-KL/TW, một số định hướng phát triển Thành phố được nêu trong Kết luận vẫn chưa được triển khai thực hiện. Việc triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt chưa được như mong muốn do thiếu nguồn lực kinh phí và công tác thu hút đầu tư phát triển còn hạn chế. Thành phố Buôn Ma Thuột chưa thực sự trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Thậm chí nhiều tiêu chí, chỉ tiêu còn chưa đạt so với một số thành phố của các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Theo các chuyên gia, việc cần một Nghị quyết mới để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp khả thi là đặc biệt cần thiết trong thời gian tới đây.
Tại Hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, Ban Kinh tế Trung ương kỳ vọng nhận được nhiều tham vấn từ chuyên gia, các ban, bộ, ngành, địa phương, từ đó đề ra phương hướng xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.