Licogi công ty mẹ chắc chắn không đủ dòng tiền để chi trả các khoản nợ nếu như không có sự thay đổi về cấu trúc tài chính trong thời gian tới. Ảnh: Tường Lâm |
Sống nhờ cổ tức và lợi nhuận được chia
Theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần của Licogi công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 79,09 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, nhờ cổ tức được chia trong quý II, Tổng công ty lãi ròng 2,32 tỷ đồng so với mức lỗ ròng 950 triệu đồng 6 tháng đầu năm 2017.
So với cùng kỳ năm 2017, trong quý II/2018 tất cả các mảng kinh doanh của Licogi công ty mẹ đều sụt giảm mạnh hoặc không có doanh thu để ghi nhận. Cụ thể, quý II/2018, Tổng công ty chỉ ghi nhận 25,85 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng 1/3 so với quý II/2017. Trong đó, hoạt động bán hàng hóa mang về 3,89 tỷ đồng và hoạt động xây dựng là 21,85 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp chỉ còn hơn 481 triệu đồng, không đủ để Licogi bù đắp chi phí hoạt động kinh doanh, cho dù các khoản chi phí này đã được tiết giảm tương đối so với quý II/2017.
Trong quý II/2018, Licogi công ty mẹ tiếp tục ghi nhận khoản cổ tức, lợi nhuận được chia lên tới 69,36 tỷ đồng, tăng 31,23% so với cùng kỳ 2017 từ các công ty con, công ty liên kết. Nhờ vậy, các khoản chi phí trong kỳ đã được bù đắp để giúp Licogi công ty mẹ ghi nhận lãi ròng 36,87 tỷ đồng trong quý II/2018, giảm gần 10% so với cùng kỳ 2017. Chi tiết không được thuyết minh song theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, trong tổng số 1.827 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn của Licogi công ty mẹ, thì 3 khoản đầu tư lớn nhất vào Công ty CP Cơ khí Đông Anh Licogi, Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi và Công ty CP Thủy điện Bắc Hà đã chiếm tới 82,1%. Hai trong số 3 công ty này có kết quả kinh doanh vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ Thủy điện Bắc Hà lỗ ròng lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 lên tới 47,2 tỷ đồng. Các công ty còn lại trong danh mục đầu tư của Licogi công ty mẹ hầu hết đều kinh doanh thua lỗ.
Tại thời điểm 30/6/2018, lỗ ròng chưa phân phối của Licogi công ty mẹ là 393,15 tỷ đồng, chiếm gần 50% vốn góp của chủ sở hữu.
Thoái toàn bộ vốn tại 16 doanh nghiệp
Quản trị tài chính kém, các khoản đầu tư không hiệu quả khiến cho tình trạng mất cân đối tài chính của Licogi ngày càng trầm trọng hơn. Dư nợ vay ngắn hạn dự kiến phải trả trong 12 tháng ngày càng gia tăng. Tính đến thời điểm 30/6/2018, khoảng cách giữa nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn của Tổng công ty đã lên đến 1.336,9 tỷ đồng, tăng thêm gần 10% so với thời điểm đầu năm 2018, chủ yếu do việc phân bổ lại nợ vay dài hạn sang nợ vay ngắn hạn.
Với thực trạng kinh doanh như hiện tại, chắc chắn Licogi không đủ dòng tiền để thực hiện chi trả khi các khoản nợ này đến hạn, nếu như không có sự thay đổi về cấu trúc tài chính trong thời gian tới. Tài sản của Tổng công ty tập trung quá nhiều vào các khoản phải thu và đầu tư tài chính, trong khi cả hai khoản mục này đều không được kiểm soát một cách hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng này, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Tổng công ty đã thông qua kế hoạch thoái toàn bộ phần vốn góp tại 16 doanh nghiệp: Licogi 10, Licogi 12, Licogi 13, Licogi 14, Licogi 15, Licogi 17, Licogi 18, Licogi 19, Công ty CP Thủy điện Đăk Đrinh, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại dầu khí IDICO, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vinashin - Licogi, Công ty CP Quản lý dự án và Xây dựng Licogi - PMC, Công ty CP Cơ khí Đông Anh Licogi, Công ty CP Đầu tư, Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đông Anh, Công ty CP Cơ giới và Xây lắp số 9, Công ty CP Thủy điện Bắc Hà. Kế hoạch này đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua trong năm 2017, song đến thời điểm hiện tại, quá trình thoái vốn này vẫn không có nhiều tiến triển.