Licogi “bay” hơn 50% vốn điều lệ sau 2 năm cổ phần hóa

(BĐT) - Biên lợi nhuận gộp năm 2017 dù được cải thiện so với giai đoạn trước đó nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí hoạt động trong kỳ, Tổng công ty Licogi - CTCP (LIC) lỗ ròng thêm 49,4 tỷ đồng trong năm 2017. Lũy kế lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến thời điểm 31/12/2017 âm 510,91 tỷ đồng.
Mảng thi công xây dựng của Licogi giảm sút gần 21,08%, xuống chỉ còn 809,44 tỷ đồng năm 2017. Ảnh: Nhã Chi
Mảng thi công xây dựng của Licogi giảm sút gần 21,08%, xuống chỉ còn 809,44 tỷ đồng năm 2017. Ảnh: Nhã Chi

Nặng gánh nợ xấu, cổ đông LIC nhận “quả đắng”

Tổng công ty Licogi - CTCP tiền thân là Tổng công ty Xây dựng nền móng và Kỹ thuật hạ tầng được thành lập theo Quyết định số 998/BXD-TCLĐ ngày 20/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 900 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Kể từ thời điểm này, doanh thu hàng năm của Công ty liên tục sụt giảm từ mức 3.111 tỷ đồng năm 2015 xuống chỉ còn 2.605 tỷ đồng vào năm 2017.

Đáng chú ý, gánh nặng nợ xấu từ giai đoạn trước đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của Công ty. LIC phải ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong năm 2016 là 414,48 tỷ đồng, thực hiện trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn lên tới 351,4 tỷ đồng.

Năm 2017, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV vừa được công bố, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của LIC tăng thêm 3 tỷ đồng từ 348,3 tỷ đồng lên 351,4 tỷ đồng.

Trích lập dự phòng ít hơn nhưng mảng kinh doanh chính của Công ty cũng không đủ bù đắp được các khoản chi phí trong kỳ. Cụ thể, mảng kinh doanh thương mại có doanh thu 1.683 tỷ đồng, chiếm 64% cơ cấu doanh thu của Công ty lại có biên lợi nhuận sụt giảm gần 1% so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, mảng thi công xây dựng chiếm gần 30% cơ cấu doanh thu của Công ty cũng chứng kiến sự giảm sút gần 21,08% từ mức 1.025,7 tỷ đồng năm 2016 xuống chỉ còn 809,44 tỷ đồng năm 2017.

Theo đó, cổ đông LIC tiếp tục phải nhận thêm mức lỗ ròng 49,4 tỷ đồng, đưa lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2017 xuống mức âm hơn 500 tỷ đồng. 

Đối mặt với rủi ro thanh khoản

Lợi nhuận chưa phân phối của Licogi tại thời điểm 31/12/2017 ở mức âm hơn 500 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Công ty là 900 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng nợ ngắn hạn của LIC là 3.661,9 tỷ đồng, vượt quá tổng tài sản ngắn hạn trên 1.000 tỷ đồng. Thêm nữa, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục âm 225 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2016. Công ty buộc phải tìm đến các nguồn vốn vay ngắn hạn để giúp duy trì hoạt động kinh doanh bình thường.

Vấn đề này khiến cho hai tổ chức kiểm toán là PWC năm 2016 và hiện tại là AASC liên tục đưa ra cảnh báo rủi ro thanh khoản, nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty trong thời gian vừa qua.

Để thoát khỏi tình trạng này, nhiều khả năng LIC phải tìm đến giải pháp chuyển nhượng bớt các dự án bất động sản đang triển khai. Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt nằm trên địa bàn các phường Thịnh Liệt, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội với diện tích hơn 35 ha được các nhà đầu tư đánh giá là dự án có giá trị nhất của Công ty. Sau gần 14 năm “đắp chiếu” chưa được triển khai, đến thời điểm 31/12/2017, chi phí sản xuất kinh doanh Dự án này là 809,76 tỷ đồng, trong đó một nửa là vốn hóa lãi vay.

Trong trường hợp tìm được đối tác chuyển nhượng thành công dự án trên, LIC sẽ giải quyết được khá nhiều nút thắt về tài chính hoặc về nguồn vốn cho việc triển khai các dự án khác.

Chuyên đề