Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Trên “đường băng” tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bên cạnh sự quan tâm của các nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 35.000 tỷ đồng tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hoạt động của ACV đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư tài chính với kỳ vọng ACV sẽ trở lại “đường băng” tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19 từ năm 2024.
Quý II/2023, doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đạt 4.945 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3.445 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Lê Tiên
Quý II/2023, doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đạt 4.945 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3.445 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Dòng du khách quốc tế dự báo tăng mạnh khi Nghị quyết số 127/NQ-CP cho phép cấp visa điện tử cho toàn bộ quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới kể từ ngày 15/8/2023 sẽ tạo trợ lực lớn cho ACV. Tuy nhiên, ẩn số tăng trưởng nằm ở khả năng phục hồi của kinh tế thế giới và khả năng ACV xử lý các khoản phải thu, đang tăng dần…

Triển vọng kinh doanh nhìn từ du khách quốc tế

Sở hữu 9 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không quốc nội, 2 công ty con và 10 công ty liên kết, ACV có nhiệm vụ trọng yếu là quản lý khai thác và đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; tạo động lực cho sự phát triển của ngành Hàng không Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Tổng công ty không đầu tư ngoài ngành.

Quý II/2023, lượt khách quốc tế của ACV đạt 7,5 triệu lượt, tương đương 76% cùng kỳ năm 2019, là năm trước đại dịch Covid-19. Lượt khách quốc tế hiện chiếm 25,7% tổng lượt khách trong quý II/2023, nhưng đóng góp tới 62,4% doanh thu dịch vụ hành khách, là doanh thu chính của ACV.

Sự phục hồi của lượng khách quốc tế đến Việt Nam là nhân tố quan trọng tạo nên tăng trưởng hiệu quả cho ACV trong hoàn cảnh lượt khách nội địa giảm 16,6% so với cùng kỳ (đạt 21,7 triệu lượt trong quý II/2023). Theo báo cáo tài chính ACV, quý II/2023, doanh thu của Tổng công ty đạt 4.945 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3.445 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.610 tỷ đồng, đưa tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 lên 4.246 tỷ đồng, cao hơn đáng kể mức lợi nhuận 3.442 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm năm 2022.

Liên quan đến lượng khách quốc tế, Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón hơn 5,57 triệu lượt khách quốc tế (tương ứng với 69% kế hoạch cả năm). Tuy nhiên, lượng khách quốc tế này vẫn chỉ bằng khoảng 65% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Về triển vọng đón khách quốc tế, mới đây, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) đưa ra 3 kịch bản. Theo kịch bản thấp nhất, Việt Nam có thể đón 9,16 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, tức là phục hồi 50% so với năm 2019. Sang giai đoạn 2024 - 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào khoảng 13,1 triệu lượt mỗi năm, xấp xỉ 73% trước đại dịch.

Trong kịch bản lạc quan hơn, theo PATA dự báo, Việt Nam sẽ đón từ 14,3 đến 16,7 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Nếu theo triển vọng này, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn như mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2024, với lượng khách từ 19,5 đến 23,2 triệu lượt, tạo cơ hội kinh doanh lớn cho ACV. Ở vị thế là doanh nghiệp thống lĩnh hoạt động kinh doanh cảng hàng không và đang quản lý 22 cảng hàng không tại Việt Nam, điều không khó dự báo là ACV sẽ hưởng lợi nếu dòng du khách quốc tế tăng mạnh. Thách thức của dự báo này là ở khả năng phục hồi của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đây là ẩn số cho tất cả các chủ thể, không riêng ACV.

Đánh giá triển vọng ACV, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, sau 2 năm khó khăn vì đại dịch Covid-19, ACV đang phục hồi hiệu quả về gần mức trước đại dịch. Tổng công ty có cơ hội tăng trưởng mạnh với khả năng lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 8.700 tỷ đồng, vượt qua mức trước đại dịch. Chia sẻ với nhà đầu tư, BVSC cho rằng, giá ACV điều chỉnh về dưới 80.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mặt bằng giá của năm 2018 - 2019. Đây sẽ là cơ hội với các nhà đầu tư đặt niềm tin vào khả năng tăng trưởng của ACV đến từ tác động của Nghị quyết số 127/NQ-CP, cũng như từ những nỗ lực mở rộng hoạt động, hiện đại hóa hạ tầng hàng không Việt Nam.

Cơ hội lớn hơn thách thức

Theo báo cáo thường niên ACV, Tổng công ty có vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, thuộc sở hữu của 6.554 cổ đông, trong đó cổ đông Nhà nước nắm 95,4% vốn. Một số lãnh đạo của Tổng công ty cũng đồng thời là cổ đông của ACV. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, nhiệm vụ của ACV năm 2023 là tập trung thực hiện đầu tư các công trình thiết yếu tại các cảng hàng không, sân bay, đặc biệt tập trung mọi nguồn lực vào các công trình trọng điểm quốc gia, ngành giao thông vận tải, như đầu tư xây dựng Dự án thành phần 3 - Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, Nhà ga T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Mở rộng nhà ga T2 Cảng HKQT Nội Bài, Đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên…

Mang trên vai trách nhiệm phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không Việt Nam để đón đầu cơ hội phát triển, nhưng lãnh đạo ACV cũng chia sẻ, lĩnh vực hàng không, đặc biệt là cảng hàng không, có mức độ tích hợp toàn cầu cao. Các biến động tiêu cực như địa chính trị bất ổn, xung đột vũ trang, thiên tai và dịch bệnh đều có tác động trực tiếp đến hoạt động vận chuyển hàng không trên thế giới, bao gồm cả dịch vụ hàng không tại Việt Nam và ACV. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái kinh tế và lạm phát toàn cầu đang gia tăng, dư âm của dịch bệnh vẫn kéo dài và chiến tranh Nga - Ukraine tiếp tục diễn ra sẽ gây ra những tác động đáng kể đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế và các doanh nghiệp trong ngành hàng không.

Một khó khăn khác, theo ACV, là các đối tác trong ngành hàng không gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài và chưa phục hồi hoàn toàn, dẫn đến rủi ro về công nợ quá hạn thanh toán, tổn thất các khoản đầu tư, ảnh hưởng đến tài chính và dòng tiền hoạt động của Tổng công ty. Thực tế, tại thời điểm cuối tháng 6/2023, ACV có khoản phải thu khách hàng là 8.138 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với số phải thu đầu năm 2023 (6.225 tỷ đồng). Trong số 8.138 tỷ đồng trên, phải thu của CTCP Hàng không Vietjet là 3.147 tỷ đồng; CTCP Hàng không Tre Việt là 1.682 tỷ đồng; CTCP Hàng không Pacific Airlines 739 tỷ đồng… Cuối quý II/2023, ACV có khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 1.880 tỷ đồng.

Đi qua năm 2022 với doanh thu 15.930 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.574 tỷ đồng, Ban lãnh đạo ACV đặt kế hoạch tăng trưởng cao cho năm 2023 với doanh thu dự kiến 19.360 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.488 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý ở ACV là Tổng công ty có tới 15.000 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại trên bảng cân đối kế toán vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do đặc thù là doanh nghiệp có sở hữu rất lớn của Nhà nước, nên bất kỳ khoản chi trả cổ tức nào cũng cần phải có sự cho phép của Chính phủ. Do đó, ACV cho biết, sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường sau khi đề xuất chia cổ tức được Bộ Tài chính phê duyệt.

Liên doanh Vietur là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 của ACV. Nếu Vietur vượt qua vòng đánh giá tài chính và được trao trách nhiệm thực thi gói thầu 5.10, ACV sẽ tiến hành khởi công Dự án 35.000 tỷ đồng xây sân bay Long Thành trong thời gian ngắn tới. Hiện tại, các sân bay quan trọng, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất, đều đang trong tình trạng quá tải. Vì vậy việc sớm đưa sân bay Long Thành đi vào vận hành thương mại sẽ giúp cho công suất phục vụ của ACV tăng mạnh, thúc đẩy tăng trưởng của ACV.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư