Vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu hơn 35.000 tỷ xây sân bay Long Thành, Liên danh Vietur có gì đặc biệt?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật, Liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là nhà thầu duy nhất dự kiến được mở hồ sơ đề xuất tài chính Gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành có giá 35.233 tỷ đồng vào ngày 4/8/2023.
Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành - ảnh internet
Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành - ảnh internet

Như vậy, sau thời gian ròng rã hơn 1,5 tháng kể từ ngày mở thầu 12/6/2023 và chờ đợi kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu đầy căng thẳng và kịch tính với nhiều đồn đoán của dư luận, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chính thức công bố kết quả đánh giá kỹ thuật Gói thầu 5.10, dần lộ rõ tên tuổi của nhà thầu sẽ hiện thực hóa việc xây dựng sân bay Long Thành thời gian tới. Theo đó, nhà thầu duy nhất được thông báo đạt yêu cầu về kỹ thuật tại gói thầu “khủng” ngành hàng không này là Liên danh Vietur.

Liên danh Vietur có 10 thành viên, trong đó Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. 9 thành viên còn lại gồm: Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư xây dựng SOL E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Kết cấu ATAD, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee cơ điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, việc ACV công bố có nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật Gói thầu 5.10 là một điều rất đáng mừng, là bước tiến trong công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu nhiều kỳ vọng của ngành hàng không - gói thầu chính xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Đây là công trình có tính chất phức tạp, đòi hỏi tính chính xác, chất lượng, kỹ thuật cao và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, việc tổ chức, đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ dự thầu của 3 liên danh nhà thầu trong thời gian khoảng 1,5 tháng để công bố được kết quả đánh giá về kỹ thuật cũng là nỗ lực lớn của ACV.

Việc có Liên danh nhà thầu đáp ứng được yêu cầu của Gói thầu 5.10 cũng đã phần nào giải tỏa được mối lo ngại bấy lâu nay của dư luận sau khi đấu thầu không thành công ở lần 1 là khó chọn được nhà thầu cho Gói thầu 5.10, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ toàn bộ công trình Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhìn vào các thành viên của Liên danh Vietur, phần nào dư luận cũng thấy yên tâm về năng lực thực hiện của một liên danh nhà thầu lớn, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng ICISTAS của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, còn các thành viên còn lại đều là những “gương mặt” hàng đầu của nhà thầu Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng ICISTAS của Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên đứng đầu Liên danh Vietur) là một trong những nhà thầu nằm trong top 500 nhà thầu quốc tế lớn nhất thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các dự án hạ tầng, giao thông và năng lượng ở nhiều quốc gia. Đây cũng là nhà thầu có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án sân bay lớn trên thế giới như: Sân bay King Khaled tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia; Cảng hàng không quốc tế Pulkovo (St. Petersburg)… Đưa vào sử dụng vào năm 2015, Pulkovo là cảng hàng không quốc tế có quy mô lớn với công suất hành khách lên tới 14 triệu hành khách/năm. Tại dự án này, ICISTAS cùng đối tác đã thi công trọn gói toàn bộ các hạng mục của sân bay từ nhà ga hành khách đến hệ thống cơ sở hạ tầng bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay) và các cơ sở hạ tầng mặt đất (khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà để xe…).

Đối với 9 thành viên còn lại của Liên danh Vietur cũng là những "ngôi sao” trong lĩnh vực xây dựng Việt Nam, đã tham gia thi công và đưa vào vận hành hàng loạt công trình hàng không lớn trong nước như: Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Cảng hàng không quốc tế Nha Trang; Cảng hàng không quốc tế Phú Bài…

Theo chuyên gia đầu tư, với các gói thầu khác, việc chỉ có 1 nhà thầu bước vào vòng mở hồ sơ tài chính thì gần như “chắc thắng” trúng thầu. Tuy nhiên, với 1 gói thầu quy mô như Gói thầu 5.10 thì quá trình từ mở hồ sơ đề xuất tài chính, thương thảo hợp đồng cũng không mấy dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực từ cả phía nhà thầu và chủ đầu tư. Bởi vì để ra được quyết định trúng thầu, giữa Chủ đầu tư và Liên danh nhà thầu phải thống nhất và tìm ra được rất nhiều tiếng nói chung đối với việc xử lý các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng với tiến độ khá gấp (39 tháng) và nhiều hạng mục công việc phức tạp, lắp đặt thiết bị công nghệ cao, có cả yếu tố nhà thầu nước ngoài và nhà thầu Việt Nam. Hơn nữa, với nhiều yêu cầu khắt khe và độ khó của Gói thầu 5.10 về công nghệ thi công hiện đại, thời gian thi công gấp gáp và tiến độ thực hiện “căng” như vậy thì Việt Nam, ACV cần có cơ chế minh bạch, rõ ràng để Liên danh nhà thầu yên tâm thực hiện, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nếu trúng thầu. Trong quá trình thương thảo hợp đồng giữa 2 bên nên có sự chia sẻ rủi ro và cam kết kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu. Nếu việc lựa chọn thành công và quá trình triển khai thực hiện Dự án sân bay Long Thành thuận lợi thì sẽ là một tiền đề tốt để quảng bá về Việt Nam và trên cơ sở đó xây dựng các cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam.

9 thành viên còn lại của Liên danh Vietur cũng là những "ngôi sao” trong lĩnh vực xây dựng Việt Nam, đã tham gia thi công và đưa vào vận hành hàng loạt công trình hàng không lớn trong nước

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của ACV cho biết, quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật 3 liên danh nhà thầu, mặc dù chịu rất nhiều áp lực về tiến độ triển khai Dự án và lựa chọn nhà thầu nhưng ACV đã tiến hành rất bài bản, thận trọng và nghiêm túc để tìm ra được nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm, thực sự xứng đáng để gửi gắm công trình lớn hàng đầu ngành hàng không, đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bước tiếp theo, ACV cũng sẽ cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của nhà thầu, nỗ lực sớm nhất để có thể công bố kết quả lựa chọn nhà thầu và khởi công công trình. Để đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng, ACV sẽ mời các cơ quan chức năng cùng tham gia giám sát, thẩm định chất lượng, có biện pháp đôn đốc nhà thầu thực hiện và giải quyết kịp thời, nhanh chóng mọi vướng mắc phát sinh cũng như nỗ lực tạo mọi điều kiện để quá trình thi công của nhà thầu được thuận lợi tối đa.

Chuyên đề