Tôn trọng nguyên tắc thị trường với DNNN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong tạo lập khuôn khổ đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo nguyên tắc thị trường tiệm cận với thông lệ quốc tế nhưng nhiều nội dung còn khoảng cách khá xa. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để hoạt động theo nguyên tắc thị trường, trước hết hãy coi DNNN là một công ty bình thường, với mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là tìm kiếm lợi nhuận.
Để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, phải coi doanh nghiệp nhà nước như một công ty bình thường, với mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là tìm kiếm lợi nhuận. Ảnh: Lê Tiên
Để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, phải coi doanh nghiệp nhà nước như một công ty bình thường, với mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là tìm kiếm lợi nhuận. Ảnh: Lê Tiên

DNNN chưa thể hoạt động theo nguyên tắc thị trường

Theo Báo cáo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường” công bố tại Hội thảo cùng tên của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), DNNN chưa có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN thuộc CIEM cho biết, Luật DN quy định pháp nhân DNNN có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như DN thuộc các thành phần kinh tế có cùng hình thức tổ chức, trước hết là quyền tự chủ kinh doanh, tự do hợp đồng, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản... “Tuy nhiên, thể chế và cơ chế quản lý trên thực tế chưa tạo cho DNNN có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý nhà nước bên ngoài còn quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh của DNNN”, ông Trung nêu nguyên nhân.

Mặt khác, rất khó áp dụng cơ chế thị trường để đào thải DNNN thua lỗ, yếu kém. Nhiều DNNN thuộc diện bị giải thể, phá sản nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại. Trong khi đó, lãnh đạo DNNN cũng có thể được bảo vệ khỏi 2 yếu tố trừng phạt được coi là thiết yếu đối với lãnh đạo điều hành trong các DN thuộc khu vực tư nhân, đó là khả năng bị thâu tóm và khả năng phá sản.

Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Nâng cao hoạt động của DNNN là quá trình liên tục. Nội dung này được nhấn mạnh trong các đề án tái cơ cấu DNNN với 3 phần nội dung. Một là bắt buộc các DNNN áp dụng và hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Hai là áp dụng quản trị hoạt động DN theo thông lệ quốc tế. Ba là cổ phần hóa, thoái vốn”. Tuy vậy, tại Việt Nam mới chỉ tập trung vào bước cổ phần hóa, thoái vốn. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến trong 5 năm qua các DNNN gần như không có sự phát triển.

Về vấn đề này, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết, hiện có thực trạng DNNN muốn được như DN tư nhân với đầy đủ quyền tự chủ trong kinh doanh. Trên thực tế, hoạt động của DNNN nhiều khi phụ thuộc vào các cơ quan quản lý (đại diện chủ sở hữu).

Lấy hiệu quả tài chính làm thước đo hiệu quả DNNN

Để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN, theo nhóm nghiên cứu CIEM, có rất nhiều việc cần làm, trong đó cải thiện quản trị DNNN, mà cốt lõi là phân bổ các quyền và trách nhiệm giữa 3 chủ thể chính: cổ đông, ban quản trị và bộ máy điều hành DN và khớp nối các quy định, quy trình để đưa ra quyết định cho các vấn đề quản trị.

Do đó, quản trị doanh nghiệp tạo ra một khung khổ để đặt ra, thực hiện và kiểm soát các mục tiêu chung của DN và đảm bảo trách nhiệm của từng chủ thể tương ứng. Hay nói cách khác, để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường đòi hỏi phải có khung quản trị doanh nghiệp tốt.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tổ chức DNNN dưới các hình thức công ty và tạo lập cơ chế để hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận của DNNN tương đồng với khu vực tư nhân. “Để DNNN có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo nguyên tắc thị trường thì hãy coi DNNN như một công ty bình thường, với mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là tìm kiếm lợi nhuận, từ đó, chúng ta phân định rõ quyền quản lý nhà nước, quyền chủ sở hữu và quyền kinh doanh”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh giải pháp lấy hiệu quả tài chính làm thước đo hiệu quả DNNN. “Nếu DNNN hoạt động kinh doanh thua lỗ thì dẹp hết, không cho tồn tại, còn việc thực hiện nhiệm vụ xã hội là trách nhiệm của Nhà nước. Vấn đề này cần tách bạch thì DNNN mới tự chủ được”, ông Bá khuyến nghị.

Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến khác tại Hội thảo cho rằng, tới đây khi sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, cần tiếp cận theo hướng để DNNN có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo nguyên tắc thị trường. Khi đó, vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN phải khác hiện nay, phải là một nhà đầu tư thực thụ chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước.

Chuyên đề