Tôn trọng luật chơi của nền kinh tế thị trường

(BĐT) - Cùng ngồi lại với nhau tại Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư 2016 – Hiệp định TPP: Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), diễn ra mới đây tại TP.HCM, các thành viên của Hiệp hội DN TP.HCM và Hiệp hội DN các nước tại TP.HCM đều có chung nhận định: đã bước vào TPP tức phải tôn trọng luật chơi của nền kinh tế thị trường.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Kích thích nền kinh tế sáng tạo

TPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có độ sâu rộng hơn rất nhiều so với các FTA khác. Vì vậy, khi bước vào TPP, các DN được ví như những con thuyền bơi ra giữa trùng dương. Có thể, nguồn lợi “đánh bắt xa bờ” sẽ vô cùng hấp dẫn, nhưng để không bị đánh chìm thì bản thân “con thuyền” của DN phải vững chãi. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cho rằng, thách thức sẽ hiện thực hóa những cơ hội, nhưng thực tế không phải ai cũng lật ngược được tình thế, nhất là đối với các DN có quy mô nhỏ và vừa.

Mặc dù gần đây TPP đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhưng ông Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị cho biết, nhiều DN vẫn đang rất mơ hồ về TPP. Cụ thể, tháng 12/2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã làm một khảo sát, kết quả cho thấy, 91% DN biết quá ít về TPP, 20% DN chưa từng nghe đến TPP, 45% DN có nghe nhưng không hiểu sâu, chỉ 9% DN tìm hiểu kỹ về TPP. Bởi lẽ đó, từ năm 2016, Chính phủ và các cấp, các ngành đã và đang tập trung tuyên truyền và hỗ trợ cho DN về TPP.

Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TP.HCM, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm. Trong đó, bằng cách nào để đưa được nhiều sản phẩm của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Mexico, Italia... đang là một câu hỏi lớn. Một vấn đề then chốt nữa là việc phải làm sao để giảm sự lệ thuộc vào thị trường và kiểu kinh doanh của Trung Quốc. “Thách thức lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào chính bản thân DN. TPP sẽ kích thích nền kinh tế sáng tạo. Chúng ta phải thay đổi, từ tư duy, đến thể chế mới cạnh tranh được”, ông Phạm Bình An nhấn mạnh.

Phải đứng vững trên hai chân của mình

Thực tế cho thấy, DN Việt Nam đang lo ngại không đủ sức cạnh tranh với các đối tác khác trong TPP. Cho nên, cần phải nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện để đứng vững trên hai chân của mình. Bà Lã Thị Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiến Lộc cho hay, ngoài việc tăng cường hợp tác và đào tạo đội ngũ quản lý cấp cao có trình độ chuyên môn sâu, tới đây Tiến Lộc sẽ tái cấu trúc lại DN theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, bà Lan kiến nghị, song song với cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn, UBND TP.HCM cũng như các bộ, sở, ban, ngành phải triển khai những hoạt động cụ thể hơn, tổ chức những chương trình xúc tiến rộng hơn và sâu hơn để tiếp sức cho DN.

Ông Antony Zenic, Chủ tịch Hiệp hội DN Canada bày tỏ, chúng ta chỉ thảo luận mà không hành động thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Trước mắt nên cạnh tranh với DN xung quanh trước khi cạnh tranh với DN các nước trong khối TPP. Đối với chính quyền, đây là lúc đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải mạnh mẽ, mở cửa và cầu thị với DN nước ngoài. Sau khi Việt Nam đã ký những hiệp định song phương với các nước làm ăn với Mỹ, Chính phủ cần tập trung cho giáo dục, sáng tạo và cách tân nền kinh tế. Đặc biệt, trong tất cả các hiệp định thương mại, chúng ta phải chú trọng đến DN tư nhân, nhất là DN vừa và nhỏ, vì đó là nền tảng của những DN lớn sau này.

Vào TPP, đòi hỏi phải có sản phẩm tốt, cho nên quan trọng nhất là phải tìm cách tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bà Kiều Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại cơ khí Tân Thanh nhận định, chúng ta phải chấp nhận sự đa dạng hóa, bởi nếu theo lối mòn thì không thể phát triển. Mặc dù bị cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc ngay trên sân nhà và thị trường thế giới, nhưng Tân Thanh phải tìm mọi cách để vượt qua nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp giá rẻ từ Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa, DN nếu không chịu vươn lên sẽ dễ bị phá sản, thụt lùi. Vì vậy, phải chấp nhận cạnh tranh, không chỉ trong nước mà mở rộng ra cả khu vực và thế giới.

Chuyên đề