“Tối hậu thư” về cắt giảm điều kiện kinh doanh

(BĐT) - Các bộ cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 15/8/2018 để bảo đảm thời hạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 2/7/2018.

Thủ tướng chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ của đất nước. Đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới, núp bóng ở những thể chế, chính sách pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ. Nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp Nhà nước và dân doanh cần chú ý điều này.

Hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn.

Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh nhưng đến hết quý II/2018, có 378 điều kiện kinh doanh trên hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa, chỉ bằng khoảng trên 13%. Mặc dù ngày 31/10/2018 là thời hạn Chính phủ yêu cầu ban hành đủ các nghị định về cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh hiện có nhưng đến nay mới có Bộ Công Thương có nghị định và Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình dự thảo nghị định. Còn các bộ, ngành khác đang xây dựng hoặc chưa xây dựng. Yêu cầu cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trong năm 2018 nhưng các bộ chưa quyết liệt triển khai, kết quả còn rất hạn chế.

Ngoài đáp ứng thời hạn 21/8, Thủ tướng cũng yêu cầu nội dung sửa đổi phải bảo đảm cắt bỏ thực chất quy định về điều kiện kinh doanh, phải rõ ràng, tránh tình trạng có thể hiểu và thực thi theo nhiều cách mà phần đúng luôn thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, còn phần sai do doanh nghiệp, người dân.

Chuyên đề