Tình trạng cạnh tranh, phá giá trong đấu thầu ngày càng khốc liệt, cần giải pháp hạn chế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi công nợ. Chẳng hạn công trình Quốc lộ 4A Lạng Sơn, chúng tôi đã bàn giao cho chủ đầu tư từ cuối năm 2016 và đưa vào sử dụng hết bảo hành 4 năm, nhưng hiện vẫn chưa thu được nợ. Nhiều trường hợp, Công ty đã phải dùng đến cả phương án kiện ra tòa án nhưng nhiều đối tác đã rơi vào tình trạng không thể trả nợ, thậm chí bỏ trốn, không còn hoạt động. Nợ đọng xây dựng thực sự là vấn đề “nhức nhối” đối với doanh nghiệp.

Ông Bùi Tuấn Ngọc, Tổng giám đốc Công ty CP Công trình 207

Trong khi đó, tình trạng cạnh tranh, thậm chí là phá giá trong đấu thầu ngày càng khốc liệt, đặc biệt là tại các gói thầu quy mô lớn. Nhiều đơn vị tham gia sẵn sàng giảm giá đến 20%, thậm chí 25% để trúng thầu. Đơn cử tại gói thầu hơn 1.000 tỷ đồng tại Bến Tre, chúng tôi tính toán sau khi giảm giá 16% thì tỷ suất lợi nhuận được khoảng 4%, nhưng nhiều nhà thầu khác sẵn sàng giảm giá 18 - 20% để cạnh tranh.

Cần phải có giải pháp hạn chế hiện tượng nhà thầu phá giá để trúng thầu vì tình trạng này kéo dài sẽ khiến các nhà thầu chết từ từ. Đây thực sự là bài toán khó vì hiện nay các nhà thầu đều rất thiếu tiền. Nhà thầu cần trúng thầu để có dòng tiền tạm ứng từ chủ đầu tư hoặc dùng hợp đồng mới làm tài sản thế chấp để đảo nợ.

Về chính sách, mới đây, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD, có hiệu lực từ ngày 15/10/2024. Chúng tôi kỳ vọng văn bản này sẽ góp phần khắc phục tình trạng nhà thầu càng làm càng lỗ do định mức, đơn giá lạc hậu, không theo kịp thực tiễn như mấy năm gần đây.

Chuyên đề