Tính toán gói kích thích kinh tế đủ lớn và có trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các gói hỗ trợ kinh tế năm 2021 ở mức 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đang phát huy hiệu quả. Năm 2022, việc triển khai gói kích thích kinh tế đủ lớn để tạo đòn bẩy cho tăng trưởng được đánh giá là rất cần thiết, song cần sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó, cân nhắc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế và thận trọng nới lỏng tiền tệ.
Cần xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách hỗ trợ, đưa vào ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Cần xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách hỗ trợ, đưa vào ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Một trong các mục tiêu chủ yếu được Chính phủ đặt ra cho năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Liên quan nội dung phục hồi kinh tế, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 cho rằng, với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Vì vậy, sự quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội. Đề nghị nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí..

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, một chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, tính toán nguồn lực cụ thể. Tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông… Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần tính tổng thể gói chính sách đang thực hiện và dư địa của chính sách tài khóa, tiền tệ, song song với việc huy động được nguồn lực, từ đó xác định trọng tâm phân bổ phù hợp và hiệu quả.

“Các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý, trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022 - 2023. Đồng thời, đề nghị xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế. Bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng bị trục lợi, bị lợi ích nhóm thao túng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Tại phiên họp tổ của Quốc hội tuần qua, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), ủy viên thường trực của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần làm rõ dư địa của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Kích thích phát triển kinh tế, nhưng không được lãng phí nguồn lực.

“Gói miễn, giãn, giảm thuế nên tính toán ở mức độ nhất định. Miễn ở đâu, như thế nào cần phải cân nhắc từng trường hợp. Muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì giãn, kích cầu tiêu dùng hỗ trợ người dân thì nên miễn. Miễn thuế giá trị gia tăng để kích cầu là cần thiết nhưng phải tính toán”, ông Lâm nói.

Từ góc độ chính sách tiền tệ, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế là cần thiết, nhưng phải kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%, đi kèm với các biện pháp kiểm soát rủi ro. “Không nên nới lỏng quá mức, bởi nếu cung tiền tăng mạnh sẽ đẩy lạm phát lên cao, buộc Ngân hàng Nhà nước sớm tăng lãi suất, gây đau đớn cho nền kinh tế trong dài hạn”, ông Thành nói.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, điểm đáng mừng là lần đầu tiên, trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nền tảng vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định. Đồng thời, dư địa chính sách để hỗ trợ nền kinh tế vẫn còn với dự trữ ngoại hối đạt trên 100 tỷ USD và chưa dùng đồng nào để hỗ trợ kinh tế, nợ công vẫn ở mức thấp, cho thấy dư địa từ phía tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế vẫn còn. Nếu áp dụng chính sách mở cửa cùng với gói hỗ trợ từ phía chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được vận dụng linh hoạt thì kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng ở mức 7,5%.

Chuyên đề