Tinh thần “không bàn lùi, chỉ bàn làm” và kỳ tích trên các công trình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả thực hiện mục tiêu “đột phá về hạ tầng” những năm gần đây là một dấu ấn đậm nét, hình thành từ nỗ lực vượt khó, quyết tâm cao độ theo tinh thần chỉ đạo “không bàn lùi, chỉ bàn làm” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kết quả này đang góp phần phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác bộ, ngành khảo sát tiến độ Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Vành đai 3 TP.HCM đầu năm 2024. Ảnh: NC st
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác bộ, ngành khảo sát tiến độ Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Vành đai 3 TP.HCM đầu năm 2024. Ảnh: NC st

“Dọn đất” mở sân bay

Thời điểm đầu tháng 7/2022, trước yêu cầu cấp bách về mặt bằng để xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Nhà ga T3), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp với UBND TP.HCM cùng các bộ, ngành liên quan hoàn thành bàn giao 16,05 ha đất quốc phòng để xây Nhà ga T3 và khoảng 11,89 ha xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.

Để thực hiện yêu cầu này, Bộ Quốc phòng và TP.HCM phải giải quyết gấp nhiều vấn đề khó. Với mặt bằng xây dựng Nhà ga T3, Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) cùng UBND TP.HCM phải lên phương án thực hiện hàng loạt thủ tục phức tạp như kiểm đếm, xác định tài sản, lập hội đồng đền bù, lên chi phí đền bù, lập và phê duyệt dự toán, xác định nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB). Ngoài ra, cần có thời gian xây mới và di dời doanh trại quân đội. Sau khi hoàn tất các bước trên, TP.HCM mới lập thủ tục thu hồi đất, bổ sung quy hoạch đất địa phương. Các khâu thủ tục đều phải tiến hành đúng quy định pháp luật nên cần thêm nhiều thời gian.

Ngoài vấn đề thủ tục, việc bàn giao đất xây Nhà ga T3 còn gặp nhiều vướng mắc khác. Cụ thể, các khu đất cần bàn giao chưa được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối theo phương án chuyển giao đất quốc phòng cho địa phương và chưa được Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 2 khu đất trên. Do vậy, Bộ Quốc phòng vào thời điểm đó chưa đủ cơ sở để bàn giao đất cho TP.HCM. Vấn đề kinh phí di dời đơn vị quân đội để bàn giao 16,05 ha đất dự kiến cần hơn 1.100 tỷ đồng và gần 100 tỷ đồng xây hệ thống ụ bê tông xi măng tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng cần được gỡ vướng.

Trong khi đó, khâu phục vụ cho khởi công Nhà ga T3 đã được chủ đầu tư chuẩn bị theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, tất cả phải chờ mặt bằng và Nhà ga T3 khó khởi công đúng lộ trình dự kiến.

Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP (ngày 28/7/2022) xác định cụ thể “đầu việc” cho Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đã phối hợp cùng các cơ quan hữu trách của TP.HCM quyết tâm hoàn thành khâu GPMB để khởi công Nhà ga T3 (vốn đầu tư 10.990 tỷ đồng) vào ngày 31/8/2023. Hiện Nhà ga T3 đạt tổng khối lượng xây dựng khoảng 70%.

Ngày 10/8/2024, dự Lễ thông xe hầm chui Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn và Nhà ga T3, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động trước quyết tâm cao của chính quyền TP.HCM, Bộ Quốc phòng và nhân dân trong GPMB để Dự án vượt tiến độ, dự kiến hoàn thành vào 30/3/2025.

“Thần tốc” xây cao tốc

Ngày 25/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 60/2022/NQ/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Đây là dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, dài 188,2 km, được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. 1 năm sau, ngày 17/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bấm nút khởi công xây dựng công trình từng là ước mơ hàng thế kỷ của người dân Đồng bằng sông Cửu Long này. Thông thường bước chuẩn bị đầu tư một dự án lớn cần tới 3 năm, nhưng lần đầu áp dụng cơ chế đặc thù, 4 tỉnh, thành đảm đương vai trò cơ quan chủ quản đã thực hiện trong 1 năm.

Theo đánh giá của lãnh đạo một số tỉnh, khâu chuẩn bị trên là một kỳ tích bởi trong 1 năm phải giải quyết rất nhiều việc khó, phức tạp, chưa có tiền lệ, khối lượng lớn. Nhìn lại quá trình chuẩn bị Dự án, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Tỉnh cùng Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương có Dự án đi qua để cùng triển khai đồng bộ. Để đảm bảo mốc thời gian khởi công trước ngày 30/6/2023, Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch tổng thể, trong đó chi tiết và cụ thể từng nhiệm vụ, công việc gắn với thời gian hoàn thành để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Với sự chủ động, quyết tâm cao trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “không nói khó, chỉ bàn làm, không bàn lùi” cùng sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các địa phương, bộ, ngành, Tỉnh đã từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công vượt mốc thời gian đề ra. Trong giai đoạn thực hiện Dự án, dù gặp nhiều vướng mắc, nhất là về giao mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù, song tỉnh Sóc Trăng đang nỗ lực hóa giải từng vướng mắc để tăng tốc thi công.

Đây cũng là những thách thức mà lãnh đạo các địa phương như Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang phải nỗ lực vượt qua khi lần đầu được giao thực hiện dự án cao tốc với tiến độ gấp rút.

Phát biểu tại Lễ khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị Dự án của 4 địa phương và Bộ Giao thông vận tải. “Chúng ta cùng nhau chung sức đồng lòng, các bộ, ngành, các địa phương, nhân dân và các nhà thầu cùng quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hoàn thành cao tốc đúng tiến độ. Cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, vượt nắng, thắng mưa để hoàn thành tốt nhất tuyến cao tốc này theo đúng mục tiêu đề ra”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Quyết liệt hơn, nỗ lực lớn hơn nữa

Chuyện “dọn đất” làm Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hay 4 địa phương miền Tây Nam Bộ “thần tốc” xây cao tốc chỉ là 2 trong rất nhiều câu chuyện về nỗ lực vượt khó, quyết tâm cao trong “cuộc cách mạng hạ tầng” những năm gần đây. Ý chí “quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, nỗ lực lớn hơn nữa, thần tốc, hiệu quả hơn nữa, phấn đấu hoàn thành các công trình xây dựng” có thể ghi nhận ở nhiều công trường như 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; các tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - An Hữu, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 3 - TP.HCM hay công trường xây dựng Cảng HKQT Long Thành…

Tinh thần “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, quyết tâm vượt thách thức, kiến tạo công trình trọng điểm đã mang lại dấu ấn nổi bật. Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc. Ngày 18/8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", thúc đẩy các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực "không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm". Thủ tướng tin rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng, mục tiêu đến cuối năm 2025 có 3.000 km đường bộ cao tốc sẽ đạt và vượt mong đợi.

Hai năm gần đây, hàng loạt văn bản điều hành tháo gỡ vướng mắc đã được Chính phủ ban hành, nhất là về GPMB và nguồn cát đắp, đồng thời nhiều chỉ đạo trực tiếp tại các công trường của người đứng đầu Chính phủ đã thúc đẩy tăng tốc xây dựng hệ thống hạ tầng chiến lược quốc gia để những “cao tốc thịnh vượng” ngày một dài thêm, những sân bay “mở bầu trời” kết nối với thế giới.

Chuyên đề