Ảnh Internet |
Tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ xấu
Những con số thống kê cho thấy, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng tăng trưởng nhanh chóng trong những năm trở lại đây. Cụ thể, cho vay tiêu dùng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng với tốc độ 65% năm 2017 (năm 2016 là 50,2%) và đặc biệt gấp gần 3,5 lần tăng trưởng tín dụng nói chung.
Nhìn riêng biệt từ một vài công ty tài chính (CTTC) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm hết quý I/2018 đều vượt ngưỡng cho phép của NHNN là 3% và đang có dấu hiệu gia tăng.
Cụ thể, kết thúc quý I/2018, dư nợ hợp nhất của VPBank tăng trưởng 3,5% so với thời điểm đầu năm 2018. Trong đó, dư nợ ngân hàng mẹ đạt 142.498 tỷ đồng, tăng trưởng 3,35% và dư nợ tại FE Credit (CTTC thuộc sở hữu của VPBank) tăng 4%, đạt 46.619 tỷ đồng. Tỷ trọng tín dụng FE Credit đóng góp 24,65% trong cơ cấu dư nợ của VPBank nhưng nợ xấu của công ty này lại chiếm tới 35% tổng nợ xấu hợp nhất của VPBank. Tại thời điểm cuối quý I/2018, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit ở mức 5,87%, cao hơn hẳn so với con số tại thời điểm đầu năm 2018 là 5%.
Một trường hợp khác là HD Saison (CTTC thuộc sở hữu của HDBank). Tại thời điểm cuối quý I/2018, tỷ lệ nợ xấu lên đến 6%, trong khi con số này tại thời điểm đầu năm 2018 là 5,7%. Cho vay của HD Saison tại thời điểm cuối quý I/2018 khoảng 9.917 tỷ đồng, tăng 4,9% so với thời điểm đầu năm 2018 và chiếm 8,55% trong cơ cấu dư nợ cho vay hợp nhất của HDBank. Lợi nhuận trước thuế quý I/2018 của HD Saison đạt 196 tỷ đồng, tăng trưởng 85% so với quý I/2017, đóng góp 18,7% tổng lợi nhuận trước thuế của HDBank.
Tính đến hết năm 2017, có 16 CTTC đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đạt 17.468 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2017, nhiều CTTC mới đi vào vận hành trên cơ sở mua lại hoặc tái cơ cấu các CTTC khác, như CTTC tiêu dùng SHB, MB Shinsei... Cuối tháng 5/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định chấp thuận việc mua bán, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTFinance) cho Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank).
Hiện tại có nhiều CTTC vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị hoạt động, thị phần của mảng kinh doanh này vẫn đang tập trung vào một số ít công ty. Trong đó, riêng trong mảng cho vay tiêu dùng của các CTTC, FE Credit đã chiếm gần 50% thị phần, 3 công ty khác gồm HomeCredit, HD Saison và Prudential chiếm khoảng 35% thị phần.
Chấn chỉnh hoạt động
Liên quan đến hoạt động của các CTTC gần đây Ngân hàng Nhà nước liên tiếp phát đi các thông điệp.
Cụ thể, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 6, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tài chính tiêu dùng, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải rà soát quy trình cấp tín dụng, tăng cường tập huấn, đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ.
Trên thực tế, các văn bản pháp lý hiện hành hướng dẫn về hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD là ngân hàng cũng như các CTTC đã được NHNN ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh đã phát sinh một số vấn đề khác bên cạnh những lo ngại về nợ xấu.
Một ví dụ điển hình, có nhiều ý kiến phản ánh của người dân về hành vi liên hệ thu hồi nợ của CTTC có dấu hiệu quấy rối, đe dọa người tiêu dùng, lãi suất lúc mời gọi cho vay một đằng, đến khi áp dụng lại một nẻo, nhiều người vay thậm chí bị áp mức lãi suất và lãi phạt tổng cộng tới 70 - 80%, không khác tín dụng đen. Ngày 15/5/2018, NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa ban hành ngày 8/6/2018, Chính phủ đã yêu cầu NHNN phải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương kiểm soát, ngăn chặn tín dụng đen, cho vay nặng lãi.