Tín dụng đen vẫn phức tạp và nan giải

(BĐT) - Hạ thấp các điều kiện cho vay, ngân hàng có thể đối mặt với khả năng không thu hồi được nợ. Khi cánh cửa ngân hàng đóng lại, người đi vay gần như chỉ còn cách “gật đầu” với lời mời chào của tín dụng đen.
Tín dụng đen len lỏi vào từng ngõ ngách với thủ đoạn tinh vi, gây khó cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn. Ảnh: Thương Gia
Tín dụng đen len lỏi vào từng ngõ ngách với thủ đoạn tinh vi, gây khó cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn. Ảnh: Thương Gia

Ngân hàng sợ không thu được nợ

Tăng trưởng tín dụng nói chung chỉ ở mức từ 14% đến trên 18% trong những năm gần đây, trong khi tăng trưởng cho vay tiêu dùng ở mức trên 40%. Một số địa phương như TP.HCM, Thái Bình, Lâm Đồng có mức tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm 2018 trên 50% so với năm 2017.

Những con số này cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng của người dân đã và đang tăng mạnh. Đây chỉ là một phần trong tổng số tín dụng tiêu dùng thực tế trong nền kinh tế, bởi tổng mức tín dụng đen hàng năm là con số không thể thống kê.

Dù Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương hạn chế tín dụng đen bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, song việc triển khai các giải pháp này của nhiều ngân hàng vẫn gặp khó khăn.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Agribank cho biết, việc nắm bắt nhu cầu vay vốn cụ thể, chính đáng của người dân là khó khăn do nhu cầu của người dân thường là nhu cầu cấp bách, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng khó tiếp cận được vốn vay do không có nguồn trả nợ.

Ngoài ra, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn không phù hợp theo quy định thường cung cấp thông tin không chính xác dẫn đến khó khăn trong việc thẩm định của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng trên một số địa bàn vẫn còn khó khăn.

Theo đó, nhiều trường hợp các đối tượng vay vốn là công nhân các khu công nghiệp, người lao động nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú không ổn định, thu nhập bấp bênh, không chứng minh được khả năng trả nợ. Đây là rào cản đối với các tổ chức tín dụng khi thẩm định cho vay.

Nhìn nhận Ngân hàng Nhà nước có một phần trách nhiệm trong việc giải quyết nhu cầu tín dụng chính đáng của người dân để họ không phải tiếp cận với tín dụng đen, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “Không đáp ứng được nhu cầu này thì tín dụng đen len lỏi vào tiếp cận với người dân. Song, cái khó nhất của ngân hàng là cho vay phải thu hồi được nợ, đảm bảo hạn chế rủi ro. Do đó, ngân hàng phải biết người vay là ai, vay có phải đáp ứng nhu cầu chính đáng hay là để đánh bạc, vi phạm pháp luật”. 

Tín dụng đen vừa manh động vừa phức tạp

Dùng tín dụng chính thức để đáp ứng nhu cầu vay của người dân và trấn áp tín dụng đen được cho là các giải pháp cần thực hiện đồng thời. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng cho vay nặng lãi vẫn còn nhiều khó khăn nhất định.

Đăk Nông là một trong những địa phương có tình trạng tín dụng đen phức tạp trong thời gian qua. Ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết, kiểm soát tình trạng này là công việc rất khó khăn. 

Theo đó, việc cho vay - đi vay là quan hệ dân sự tự nguyện, có sự thỏa thuận của hai bên, diễn ra âm thầm, đến khi người vay không trả được nợ, bị các đối tượng đe dọa, bắt giữ, đánh đập, khủng bố tinh thần gây ra phức tạp tình hình an ninh trật tự thì vụ việc mới bị phát hiện, trình báo, gây khó cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn.

Đáng chú ý, các đối tượng hoạt động tín dụng đen hầu hết có tiền án, tiền sự, lưu manh, côn đồ, các đối tượng làm nghề tự do. Các đối tượng này dùng thủ đoạn tinh vi, khi cho vay không bao giờ thể hiện lãi suất công khai trên giấy tờ mà che giấu dưới các dạng hợp đồng như ủy quyền mua bán tài sản. Khi con nợ mất khả năng trả nợ, chúng tổ chức siết nợ hoặc gửi lên cơ quan pháp luật yêu cầu khởi tố, xử lý theo thỏa thuận của hợp đồng, khiến cơ quan chức năng khó xác minh, làm rõ.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Đào Minh Tú cho biết, tại các tỉnh, nhất là địa bàn có khu công nghiệp tập trung đông công nhân lao động nở rộ hoạt động của các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, hiệu cầm đồ do sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố cấp phép. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này chưa chặt chẽ, dễ dẫn tới các công ty này biến tướng thành các hoạt động cho vay nặng lãi, trong khi người dân lầm tưởng đây là hoạt động tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Để tiếp tục giải quyết vấn nạn này, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Bộ Công an tăng cường trấn áp, xử lý nghiêm minh đối tượng tín dụng đen; phối hợp với chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức cho vay tài chính, các cơ sở hiệu cầm đồ do sở kế hoạch và đầu tư của địa phương cấp giấy phép.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở, phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.

Chuyên đề