Tìm cách thoát bẫy giá trị gia tăng thấp

(BĐT) - Báo cáo “Việt Nam trước ngã rẽ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới” và Báo cáo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam với DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)” vừa công bố cho thấy, Việt Nam đang bị kẹt ở bẫy giá trị gia tăng thấp và đứng trước đòi hỏi phải có tư duy mới cho tiến trình phát triển.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đối mặt với những rủi ro

Theo ông Charles Kunaka, Chuyên gia Kinh tế trưởng Vụ Thương mại, Khối thương mại và cạnh tranh thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), chính sách mở cửa hội nhập của Việt Nam đã đem lại những thành quả cho phát triển. Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, kết quả xuất khẩu của Việt Nam luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của thế giới trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Cơ hội để các DN trong nước tham gia vào các ngành sản xuất cũng đang bị thu hẹp vì các DN FDI lớn như Samsung, Ford, Toyota thường sử dụng mạng lưới nhà cung ứng toàn cầu. Các công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao (đổi mới sáng tạo, thiết kế, phụ tùng, linh kiện lõi) đều được sản xuất bên ngoài quốc gia.

Từ thực trạng trên, ông Charles Kunaka đánh giá, Việt Nam đang bị mắc kẹt ở “bẫy giá trị gia tăng thấp” do không phát triển được năng lực đổi mới sáng tạo hoặc tham gia vào các chức năng đem lại giá trị gia tăng cao hơn. “Điểm nghẽn này nếu không được tháo gỡ, trong dài hạn, nền kinh tế có thể đối mặt với rủi ro khi các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn hút dòng vốn FDI rời khỏi Việt Nam”, chuyên gia này cảnh báo.

Chia sẻ vấn đề này, Báo cáo “Việt Nam trước ngã rẽ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới” phân tích, hầu hết việc làm trong các ngành xuất khẩu là những việc làm không có kỹ năng, trong đó, hàm lượng lao động không có kỹ năng trong giá trị gia tăng của lao động Việt Nam cao hơn nhiều so với các nền kinh tế châu Á khác.

Ông Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra 3 điểm yếu dẫn đến hệ quả kết nối lỏng lẻo giữa khu vực DN trong nước và DN FDI. Thứ nhất là các DNNVV trong nước có sức cạnh tranh yếu, nên khó đáp ứng được các yêu cầu cao của các tập đoàn kinh tế. Thứ hai là hiện DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính. Và thứ ba là các đối tác của DN Việt Nam như Samsung, Intel… chưa dành sự quan tâm đầu tư đúng mức về một thị trường mà họ muốn làm ăn lâu dài. “Thay vì đòi hỏi năng lực từ phía các DN trong nước, nếu các đầu tư FDI biết trích một phần lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để hỗ trợ DN Việt Nam đào tạo, đầu tư máy móc, chuyển giao công nghệ thì có thể đã có nhiều hơn con số khoảng 300 DN đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng hiện nay”, ông Thắng phân tích. 

Xử lý thách thức theo hướng nào?

Theo chuyên gia của WB, Việt Nam cần có một gói giải pháp toàn diện theo cả chiều ngang và chiều dọc để khắc phục thực trạng thiếu liên kết giữa DN trong nước và DN FDI hiện nay. Các biện pháp này không nên triển khai một cách riêng rẽ, mà đòi hỏi một lộ trình toàn diện, xuyên suốt trên nhiều khía cạnh. Trong đó có việc thiết kế một chương trình thúc đẩy liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước với khu vực DN FDI.

Tán thành với khuyến nghị của WB, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, các DNNVV cần nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa. Những chính sách hỗ trợ cho khối DN này cũng cần có trọng điểm hơn. Ví dụ, về kết cấu hạ tầng cho xuất khẩu, quan trọng là phải xây dựng được những khu, cụm công nghiệp mà ở đó phải có những DN “đầu đàn” tham gia kết nối, hỗ trợ các DN khác bước lên nấc thang giá trị cao hơn.

Chia sẻ câu chuyện này, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cho rằng, cần phải có những mũi ưu tiên cho các ngành kinh tế chủ lực để tạo ra môi trường sáng tạo, thúc đẩy khối DNNVV phát triển.     

Chuyên đề