Tiếp sức chống dịch với TP.HCM: Nhiều bệnh viện tại Hà Nội “chia lửa”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Số người tình nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ TP.HCM sau bức tâm thư kêu gọi chung tay chống dịch Covid-19 của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại Thành phố đang tăng lên từng ngày. Mặc dù còn nhiều khó khăn và phải cân đối nguồn nhân lực, nhưng nhiều bệnh viện tại Hà Nội vẫn quyết định “chia lửa”.
Những hình ảnh hết sức xúc động trong Lễ xuất quân của đoàn công tác tiếp sức cho TP.HCM
Những hình ảnh hết sức xúc động trong Lễ xuất quân của đoàn công tác tiếp sức cho TP.HCM

Theo Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM, tính đến 18h00 ngày 26/7/2021, đã có hơn 2 nghìn lượt người đăng ký, trong đó tình nguyện viên ngụ tại TP.HCM gần 1.900 người; các tỉnh khác hơn 200 người. Đối tượng là bác sĩ gần 300 người; Điều dưỡng gần 400; Dược sĩ gần 200 người và các ngành nghề khác là 800 người. Độ tuổi tham gia tình nguyện viện rất phong phú, dưới 20 tuổi là 80 người, từ 20 - 50 tuổi là hơn 1.800 người, trên 50 tuổi là hơn 120 người. Hiện nay, Sở Y tế đang lên kế hoạch phân 80 bác sĩ và 50 điều dưỡng đến bệnh viện điều trị Covid-19 và một số bệnh viện dã chiến, số còn lại sẽ đưa về các cơ sở điều trị và các địa phương có nhu cầu trong Thành phố.

Tại Hà Nội, tới nay đã có 6 bệnh viện cử đoàn công tác chi viện cho TP.HCM như: Bệnh viện E, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị...

Gần đây nhất, Bệnh viện E (bệnh viện đa khoa trung ương trực thuộc Bộ Y tế) vừa tổ chức Lễ xuất quân cho đoàn công tác y tế 46 người của Bệnh viện tiếp sức cho TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19. Đoàn công tác do TS. BS Phan Thảo Nguyên - Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn thuộc Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện E làm Trưởng đoàn cùng 45 bác sĩ và điều dưỡng của nhiều khoa như: tim mạch, gây mê hồi sức, hô hấp, phẫu thuật cột sống, cơ xương khớp... được lựa chọn từ danh sách 200 y bác sĩ tình nguyện đăng ký tham gia. Theo GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E, Ban Giám đốc Bệnh viện coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện sự tin tưởng của Bộ Y tế và của cộng đồng xã hội. Cả nước cùng đồng lòng, trong đó, Bệnh viện E sẵn sàng chi viện cho tuyến đầu chống dịch.

“Chúng tôi rất tự hào vì được lựa chọn tham gia đoàn công tác lần này”, TS. BS Phan Thảo Nguyên nhấn mạnh.

“Đối với người thầy thuốc, thì đây sẽ là một trải nghiệm khó quên, nhưng từ thực tế ở nơi tuyến đầu chống dịch, sẽ giúp chúng tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm học hỏi từ các đồng nghiệp trong và ngoài nước trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid 19. Chúng tôi là những mảnh ghép nhỏ đóng góp vào bức tranh lớn trong công cuộc đầy lùi dịch bệnh Covid-19, giành lấy sự bình yên cho người dân ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”, ThS.BS Trần Nam Chung - Phó Trưởng khoa Cơ Xương Khớp, một thành viên của Đoàn công tác Bệnh viện E chia sẻ.

GS.TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E ra tận xe, bắt tay và dặn dò từng người

GS.TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E ra tận xe, bắt tay và dặn dò từng người

Mặc dù không tránh khỏi lo lắng, nhưng khi trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Khắc Sỹ - bố của một bác sĩ tham gia Đoàn công tác của Bệnh viện E vẫn bày tỏ lòng tự hào và nhắn nhủ với con trai rằng: “Khi Tổ quốc cần, mọi người cùng đồng lòng, tất cả cùng chung một chí hướng. Mình là công dân Việt Nam, mỗi người hãy hy sinh một chút, gác lại tình riêng để lo việc chung của đất nước, để giành lại sự bình an, tốt đẹp cho mọi người dân. Các thế hệ cha anh cũng từng xung phong xông pha trên chiến trường chống Mỹ cứu nước năm xưa. Bây giờ chống dịch cũng như chống giặc vậy!”.

Trước đó, trong Tâm thư, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sự bùng phát dịch Covid-19 do biến chủng Delta tại TP.HCM trong thời gian qua đã gây ra những tác động mạnh đến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của Thành phố, và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của cộng đồng... Các hoạt động kiểm soát và khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện, nhưng sự phát tán của virus SARS-CoV2 vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn và quá tải. Do đó, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công - tư... tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại TP.HCM.

Trong những ngày gần đây, không chỉ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Tháp..., nhiều địa phương cũng đang phải đối phó với những diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh. Dịch cũng đang bùng phát ở Hà Nội, nhưng khi nhận được lời đề nghị hỗ trợ đã khiến không ít lãnh đạo bệnh viện ở Hà Nội phải suy nghĩ.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, khi nhận được yêu cầu của Bình Dương giúp vận hành đơn vị hồi sức tích cực (ICU) mới thành lập, nhóm lãnh đạo chủ chốt của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã họp khẩn cấp, trong lòng không khỏi phân vân, lo lắng là dịch đang bùng phát tại Hà Nội mà gửi quân đi các nơi nhiều quá, thì hậu phương sẽ thế nào? Nhưng khi nhìn lại thành công của các đoàn công tác đã được nhiều địa phương như Huế, Hà Tĩnh, Phú Yên... ghi nhận, và niềm tin vào khả năng xoay chuyển tình thế ở Bình Dương, cuối cùng, cuộc họp này đã đưa ra quyết định: "Chúng ta sẽ lại lên đường".

“Ngoài việc hạn chế tối đa tốc độ lây lan cộng đồng, mục tiêu quan trọng là giảm tỷ lệ tử vong, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện để đủ sức trường kỳ chống dịch. Những chuyên gia hồi sức cấp cứu từ bác sĩ đến điều dưỡng là những “chiếc chìa khóa” để thắng lợi... Đây là lúc rất cần để cả hệ thống chính trị thống nhất phương pháp chống dịch trong giai đoạn mới này. Nguyên tắc chung đó là giảm tối đa sự lây lan dịch bệnh; không để tỷ lệ tử vong vượt qua tỷ lệ chung của các nước trên thế giới; và bảo đảm những hoạt động sản xuất đặc biệt quan trọng cho nền kinh tế đất nước”, ông PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhận định.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề