Tiền “vòng lại” cổ phiếu nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
Thanh khoản sàn HoSE tăng hôm nay hoàn toàn trông cậy vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. Lần thứ 2 trong vòng 2 tháng, giao dịch tại rổ VN30 còn tệ hơn cả Midcap, khi thị phần rổ này tụt xuống chỉ còn chưa tới 36% giá trị sàn...
VN30-Index may mắn thoát giảm ở đợt ATC nhờ VCB và VPB được kéo giật giá lên.
VN30-Index may mắn thoát giảm ở đợt ATC nhờ VCB và VPB được kéo giật giá lên.

Thanh khoản sàn HoSE tăng hôm nay hoàn toàn trông cậy vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. Lần thứ 2 trong vòng 2 tháng, giao dịch tại rổ VN30 còn tệ hơn cả Midcap, khi thị phần rổ này tụt xuống chỉ còn chưa tới 36% giá trị sàn.

VN-Index kết phiên tăng 0,23% so với tham chiếu, VN30-Index quá kém, may mắn được giật tăng đúng đợt ATC, trên tham chiếu 1,02 điểm hay 0,07%. Trong khi đó VNMicap rực rỡ tăng 0,89% và VNSmallcap còn mạnh hơn, tăng 1,49%.

Không chỉ vậy, thị phần giao dịch của các nhóm cổ phiếu cho thấy dấu vết dòng tiền quay trở lại các cổ phiếu vừa và nhỏ ngày một rõ hơn. Tuần áp chót tháng 9 vừa qua là thời điểm huy hoàng của hai nhóm cổ phiếu này, khi lần lượt áp sát kỷ lục lịch sử về thanh khoản, đồng thời tỷ trọng giao dịch áp đảo hoàn toàn rổ VN30. Hôm nay tình thế đã lặp lại.

Toàn sàn HoSE ghi nhận giá trị khớp lệnh đạt 18.654,5 tỷ đồng, tăng 7,3% so với ngày hôm qua, hay con số tăng tuyệt đối là 1.268,6 tỷ đồng. Trong khi đó giao dịch tại rổ VN30 giảm 13%, tương đương mức tuyệt đối -990,6 tỷ đồng. Như vậy phần bù phải đến từ cổ phiếu vừa và nhỏ.

Nhóm Midcap giao dịch vượt trội với mức tăng 19,3%, đạt 6.709,6 tỷ đồng, tức là còn nhiều hơn cả VN30. Rổ này chiếm 36% thị phần tại HoSE trong khi VN30 chỉ chiếm 35,6%. Smallcap giao dịch tăng 23,4%, đạt 3.966,7 tỷ đồng, chiếm 21,3%.

Nhóm Midcap có hai đại diện lọt Top 3 thanh khoản hai sàn là KBC và HSG. Trong đó KBC thuộc nhóm tăng mạnh cùng với các mã cổ phiếu bất động sản công nghiệp. KBC tăng 3,84% lên 46.000 đồng và chính thức có mức giá đóng cửa cao nhất lịch sử. Dù vậy KBC vẫn chưa thật sự có đỉnh cao lịch sử, vì mức giá cao nhất đạt được là 47.000 đồng hôm 21/1/2021. Thanh khoản của KBC đạt 725,7 tỷ đồng. HSG trái lại, thuộc nhóm cổ phiếu thép giảm giá, giao dịch 551,6 tỷ đồng, giá giảm 1,55%.

Rổ Midcap cũng có thêm hai đại diện nữa trong Top 10 thanh khoản thị trường là DPM với giao dịch gần 286 tỷ đồng, giá tăng 0,66%. DXG giao dịch 280,3 tỷ đồng, giá tăng 5,82%.

Rổ Smallcap có hai đại diện thuộc Top 10 thanh khoản là IJC khớp 283 tỷ đồng, giá tăng 2,08% và NKG khớp 281,5 tỷ đồng, giá giảm 0,1%.

Có thể thấy trong nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, dù là Midcap hay Smallcap thì vẫn có sự phân hóa về giá. Thanh khoản lớn cho thấy có sự luân chuyển của dòng tiền, nhưng không nhất thiết là phải tăng giá. Nhà đầu tư vẫn chốt lời cổ phiếu này và mua đẩy giá cổ phiếu khác. Độ rộng chung của sàn HoSE lúc đóng cửa cũng không quá áp đảo, với 228 mã tăng/192 mã giảm.

Riêng nhóm VN30 thì kém. Rổ này có 12 mã tăng/17 mã giảm và những phút cuối đợt khớp lệnh liên tục đã xuất hiện nhịp giảm, đẩy chỉ số xuống dưới tham chiếu gần 1 điểm. Đợt ATC có hiện tượng giật giá của VCB, VPB đã kịp kéo VN30-Index tăng trở lại vừa đủ.

Các blue-chips chiều nay chủ đạo là suy yếu so với phiên sáng. Tuy vậy cũng có một số mã đảo chiều ấn tượng. VCB cuối phiên sáng giảm 0,31%, đóng cửa tăng 1,26% so với tham chiếu. Dù vậy mức tăng này chỉ do hành động kéo giá phút chót. VCB từ giá 95.300 đồng nhảy vọt lên 96.800 đồng. PLX cũng đảo chiều rất mạnh, từ mức giảm 1,3% cuối phiên sáng thành tăng 0,19% lúc đóng cửa.

Trong số các blue-chips VN30 tăng giá hôm nay, trừ VCB được giật lên quá 1% lúc đóng cửa, chỉ có PDR, BVH và SSI là duy trì mức tăng trên 1%. Ngược lại, các cổ phiếu vừa và nhỏ tăng khá rực rỡ. Rổ Midcap có 28 mã tăng trên 1%, trong đó 2 mã kịch trần là SZC và SAM. Smallcap có 80 mã tăng trên 1%, với 5 mã trần là SHA, DTA, ELC, BCG, ABS.

Việc các blue-chips VN30 tăng lình xình thiếu ổn định không có gì bất ngờ. Chiều nay dòng tiền vào rổ này thấp đột biến với 2.914 tỷ đồng. Trong đó hơn một phần tư (25,5%) đã là giao dịch của riêng HPG và cổ phiếu này bị lực bán ép giá giảm 0,89% so với tham chiếu.

HPG cũng là mã bị khối ngoại xả áp đảo, với mức ròng tới 225,9 tỷ đồng. SBT cũng bị bán gia tăng, mức ròng lên tới -120,7 tỷ. PAN, CTG, NLG, VIC, GMD, SSI, GEX, NVL, VHM, PC1, chứng chỉ quỹ FUEVFVND là những chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất. Tổng giá trị bán ròng hôm nay trên HoSE đạt 579 tỷ đồng.

Chuyên đề