Tiền vẫn không vào, blue-chips không thể “đổi màu” chỉ số

0:00 / 0:00
0:00
Dòng tiền vẫn rất yếu trong phiên giao dịch buổi chiều khiến cho giá blue-chips chỉ có thể trồi sụt không dứt khoát. Cả rổ VN30 chiều nay chỉ giao dịch hơn 2,4 ngàn tỷ đồng, mức thấp bất ngờ...
VN-Index giảm không đáng kể do vẫn có trụ đỡ.
VN-Index giảm không đáng kể do vẫn có trụ đỡ.

Dòng tiền vẫn rất yếu trong phiên giao dịch buổi chiều khiến cho giá blue-chips chỉ có thể trồi sụt không dứt khoát. Cả rổ VN30 chiều nay chỉ giao dịch hơn 2,4 ngàn tỷ đồng, mức thấp bất ngờ.

Giá cổ phiếu thuộc rổ VN30 cũng rất ít biến động, nên có lẽ thanh khoản quá thấp chiều nay là do cung cầu không gặp nhau. Người bán đã giảm bán từ sáng, nhưng người mua cũng quá thận trọng.

VN30-Index kết phiên giảm 0,19% so với tham chiếu, gần tương đương mức điểm cuối phiên sáng. Như vậy nhìn về chỉ số đại diện, nhóm này không có thay đổi gì suốt phiên chiều. Tuy nhiên cũng có một vài cổ phiếu biến động mạnh hơn số còn lại.

Chiều tăng, STB có biến động đáng chú ý nhất. Chốt phiên sáng STB chỉ đứng tham chiếu 34.300 đồng. Tuy nhiên khoảng chục phút cuối phiên chiều, thanh khoản đột ngột tăng cao kéo giá lên dữ dội. STB nhảy vọt lên 35.450 đồng lúc 2h25, tương đương tăng 3,35% so với tham chiếu. Cũng ngay vài phút kế tiếp STB lại bị xả cực mạnh, giá lao thẳng xuống 34.000 đồng, tức là rơi qua tham chiếu. Cuối phiên cầu lớn lại xuất hiện kéo bật giá tăng 2,04% với gần 1,25 triệu cổ giao dịch.

STB không thể đại diện cho nhóm cổ phiếu ngân hàng. Xu hướng điều chỉnh giảm vẫn là chủ đạo ở nhóm này. Các blue-chips ngân hàng dường như mạnh hơn, vẫn có nhiều mã tăng. Ngoài STB còn có BID tăng 0,57%, CTG tăng 0,85%, VCB tăng 1,83%. Trong tổng số 27 cổ phiếu ngân hàng ở 3 sàn, chỉ có 7 mã tăng, số còn lại đều giảm.

Nhóm cổ phiếu tài chính hôm nay có trụ, nhưng đa số là giảm.

Nhóm cổ phiếu tài chính hôm nay có trụ, nhưng đa số là giảm.

Rổ VN30 kết phiên chiều với 14 mã tăng/12 mã giảm, về độ rộng vẫn là tích cực. Tuy nhiên chỉ số lại giảm 0,19% so với tham chiếu, do ảnh hưởng của bộ ba TCB giảm 1,49%, VPB giảm 1,13%, HPG giảm 0,96%. Đây là ba cổ phiếu trụ lớn nhất của chỉ số này.

Trong khi đó VCB đóng vai trò lớn với VN-Index khi tăng 1,83%, kéo chỉ số này tới 1,9 điểm trong khi kéo VN30-Index chưa tới 0,7 điểm. VNM có cũng ảnh hưởng lớn hơn trong VN-Index.

Nhìn chung tình trạng giằng co nói trên cũng phản ánh đúng giao dịch hôm nay với nhóm blue-chips. Thanh khoảng tụt xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2021 với 5.717 tỷ đồng. Mức sụt giảm thanh khoản ở nhóm cổ phiếu ngân hàng là rõ nhất khi tổng 10 mã nhóm này trong rổ VN30 chỉ giao dịch bằng khoảng 40% hôm qua. Tuy nhiên ngay cả khi tính thanh khoản của các blue-chips phi ngân hàng còn lại, thanh khoản cũng giảm khoảng 43% so với hôm qua. Như vậy mức giao idchj yếu ở blue-chips là tình trạng chung, không phải chỉ do cổ phiếu ngân hàng.

Duy trì thanh khoản chung cho sàn HoSE phiên này là nhóm cổ phiếu midcap, với tỷ trọng giao dịch chiếm 42,2% giá trị sàn này. Tuy vậy midcap cũng chỉ có GEX và DIG là thanh khoản vượt trôi. Hai mã này chiếm trên 34% giá trị cả rổ. Đây cũng là hai cổ phiếu duy nhất khớp lệnh cỡ ngàn tỷ đồng hôm nay.

Độ rộng sàn HoSE cuối phiên ghi nhận 174 mã tăng/285 mã giảm, tích hơn một chút so với phiên sáng (153 mã tăng/309 mã giảm). Tuy vậy nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ không có tiến triển rõ rệt: chỉ số Smallcap chốt phiên giảm 0,85% trong khi cuối phiên sáng đã hồi khá, giảm 0,82%. Midcap đóng cửa giảm 0,75%, kém hơn phiên sáng (giảm 0,4%).

HoSE vẫn có 24 cổ phiếu giảm hết biên độ, nhiều gần gấp đôi phiên sáng. Khá nhiều cổ phiếu đã không duy trì được đà phục hồi buổi sáng mà tụt trở lại chiều nay. Dòng tiền vẫn là yếu tố quyết định vì lực mua kéo giá lên đã không đủ nhiều để giữ độ cao. Riêng nhóm FLC, ROS, HAI, ART, AMD... vẫn có hàng trăm triệu cổ phiếu dư bán sàn.

Khối ngoại là điểm sáng bất ngờ, khi tiếp tục mua vào nhiều hơn ở phiên chiều. Chốt buổi sáng tổng giá trị mua khoảng 815,4 tỷ đồng, phiên chiều giải ngân tiếp hơn 741 tỷ đồng nữa. Mức ròng tăng vọt lên 770,5 tỷ. Tổng giá trị giải ngân của khối này chiếm 6,8% tổng thanh khoản sàn HoSE.

Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng lớn nhất với gần 121 tỷ đồng. STB +118 tỷ, VNM +81 tỷ. VCB, HPG, CTG, VHM, GEX, HBC, VCG... là các mã khác được mua ròng rất tốt. Nhìn chung khối này tập trung vào blue-chips. Hơn một nửa giá trị mua ròng phiên này tập trung vào cổ phiếu thuộc nhóm VN30.

Chuyên đề