Thuế thu hàng năm trong quá trình sử dụng tài sản hiện chỉ tương đương khoảng 0,036% GDP. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức ngày 26/6, nhiều chuyên gia kiến nghị chỉ áp dụng thu thuế đối với nhà, đất.
Theo ông Trần Như Trung, Chủ tịch HĐQT TR2 International, một vấn đề quan trọng trong thuế tài sản là người đóng thuế được quyền gì? Nếu thuế tài sản ra đời và muốn cả cộng đồng, xã hội cùng tham gia và thực thi một cách tốt hơn thì cần là một “cuộc chơi” công bằng cho cả bên thu và bên đóng. Vì vậy, các dự thảo luật tiếp theo cần nêu rõ lợi ích mà người đóng thuế tài sản nhận được.
Ông Nicolas Drouin - chuyên gia phát triển đến từ Đại sứ quán Canada tại Việt Nam chia sẻ, tại Canada, thuế tài sản được xây dựng dựa trên 2 nguyên tắc nền tảng, trong đó có nguyên tắc lợi ích mà chủ tài sản nhận được. Vì các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp đã mang lại lợi ích trực tiếp cho chủ sở hữu tài sản nên chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm đóng thuế. Ông Nicolas Drouin cho biết thêm, thuế tài sản ở Canada là một nguồn thu nhập chính do chính quyền đô thị kiểm soát và được dùng để trang trải các dịch vụ do chính quyền cung cấp. Ví dụ như chi trả cho giáo dục (các trường tiểu học và trung học các cấp), y tế và phúc lợi (các dịch vụ y tế công cộng, cấp cứu…), bảo vệ an toàn công cộng, giao thông vận tải (bến bãi/các điểm trung chuyển công cộng, quản lý an toàn giao thông), tiện ích (nước sạch, xử lý rác thải, hệ thống thoát nước)…
Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico đưa ra một số đề xuất cho các dự thảo luật thuế tài sản trong thời gian tới.
Thứ nhất, về nguyên tắc thì “đánh” thuế đối với tất cả mọi người nhưng thuế tài sản chỉ nên “đánh” vào người có khả năng nộp thuế. Vì ở Việt Nam, nhiều người sở hữu nhà nhưng chưa chắc đã có đủ nguồn thu nhập để nộp thuế. Còn đối với các nước phương Tây, người sở hữu nhà cần phải chứng minh nguồn thu nhập để mua nhà.
Thứ hai, cần đánh thuế vào những tài sản Nhà nước có thể quản lý được và có giá trị đáng kể như nhà cửa, đất đai. Nếu đánh thuế, ông Đức cho rằng không nên tách rời nhà và đất như trong dự thảo.
Thứ ba, thuế được đánh lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp, có thể gấp 5 - 10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản. Ông lấy ví dụ về mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% và với người có nhiều tài sản ít nhất là 10%. Cơ quan chức năng nên để mức thuế suất thấp, khoảng 0,1% và đưa luôn vào luật, mức thuế có thể tăng lên 0,3 - 0,4% sau 10 năm. Hiện tại, dự thảo của Bộ Tài chính về thuế tài sản đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% (ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng) và với đất cũng là 0,4%.
Theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Đối tượng chịu thuế tài sản ở các nước chủ yếu là đất và nhà.
Thuế tài sản chiếm tỷ lệ trung bình 3 - 4% tổng thu thuế ở các nước phát triển, ở một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, qua đánh giá cho thấy thuế thu hàng năm trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ tương đương khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.
Một số chuyên gia cho rằng, việc cải cách sắc thuế đánh vào đất đai và tài sản đầu tư trên đất không chỉ đơn giản là giải pháp tìm nguồn thu cho ngân sách nhà nước khi các nguồn thu cũ đã cạn dần trong quá trình phát triển thương mại toàn cầu, mà phải coi là cuộc cải cách lớn về hệ thống thuế. Đặt ra thuế này phải gắn với đổi mới các loại thuế khác nhằm mục tiêu thu hợp lý, thu công bằng, thu hiệu quả, thu bền vững, thu có lý và phải khuyến khích đầu tư phát triển.