Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau

(BĐT) - “Việt Nam tin tưởng sẽ thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn của người dân Việt Nam cũng như nhân loại thế giới. Việt Nam cam kết tích cực thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong cộng đồng quốc tế, trong nỗ lực chung để không một cá nhân hay một đất nước nào bị tụt lại phía sau trong tiến trình này”.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Trung
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Trung

 Đây là thông điệp của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” diễn ra tại Đà Nẵng trong hai ngày 17, 18/12/2018. Hội nghị do Bộ KH&ĐT, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu ưu tiên thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt, xây dựng một xã hội hòa bình và hội nhập thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng trình bày tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu PTBV. Năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, việc xây dựng Kế hoạch hành động được thực hiện dựa trên một quá trình rà soát các chiến lược, chính sách quan trọng, chủ yếu của quốc gia, ngành/lĩnh vực, có so sánh, đối chiếu với 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Quá trình xây dựng Kế hoạch hành động cũng có sự tham tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức xã hội, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Kế hoạch hành động đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Việt Nam với 115 mục tiêu cụ thể phản ánh được 150/169 mục tiêu toàn cầu.

Để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như những thách thức đặt ra, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, cần tập trung vào 5 nội dung trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia.

Thứ hai, lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chiến lược, kế hoạch liên quan. Đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây được xem là một căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương có thể triển khai việc lồng ghép.

Các nguyên tắc cơ bản của việc lồng ghép bao gồm: Yêu cầu lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững phải được quy định trong các văn bản hướng dẫn chính thức về lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia, ngành và địa phương; Đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu phát triển bền vững với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Quá trình lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững phải đảm bảo thu hút được sự tham gia tích cực của các bên liên quan, bảo đảm tính dân chủ, sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Thứ ba, huy động nguồn lực và tham gia từ các bên liên quan cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thứ tư, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao vai trò chủ quản, điều phối thực hiện SDGs của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung

Thứ năm, xây dựng Hệ thống giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững. Để phục vụ cho công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bên liên quan xây dựng Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Lộ trình này sẽ là một căn cứ quan trọng để các bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm; xây dựng các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững một cách hiệu quả trong từng thời kì từ nay đến năm 2030. Lộ trình là một thước đo để đánh giá việc Việt Nam thực hiện các chỉ tiêu về phát triển bền vững tại các mốc thời gian 2020, 2025, 2030.

Song song với việc xây dựng lộ trình, Hệ thống chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nhằm phục vụ công tác giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững. 

Trên cơ sở lộ trình và hệ thống chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững được ban hành, năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bên liên quan xây dựng hướng dẫn giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện giám sát, đánh giá tại bộ, ngành, địa phương mình.

Để có thể thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng nêu trên thành công, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, cần sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành của Quốc hội đối với Chính phủ.

Chuyên đề