Thúc đẩy chuyển đổi xanh: Càng sớm càng nhiều cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng trăm tỷ USD từ các nhà đầu tư quốc tế đang chờ những cơ hội đầu tư khả thi, phù hợp, thông minh cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Việc Việt Nam có cam kết mạnh mẽ giảm phát thải các bon, xác định con đường tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã và đang tạo sức hút mới với nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn cần những hành động kịp thời, cụ thể, những cơ chế chính sách rõ ràng hiện thực hóa cam kết để đón đầu dòng vốn này.
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Hàng trăm tỷ USD sẵn sàng đầu tư cho tăng trưởng xanh

Ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam chia sẻ, Tập đoàn LEGO đang trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh hơn và sạch hơn. Sự chuyển đổi này sẽ bắt đầu từ nhà máy tại Việt Nam và tiến tới tất cả các nhà máy của Tập đoàn LEGO, nơi sẽ trở thành nhà máy trung hòa các bon trong tương lai.

Deep C cũng đang thực hiện chương trình chuyển đổi năng lượng, được gọi là Dự án 2030. Chương trình có mục tiêu tạo ra một khu công nghiệp sinh thái được cung cấp bởi ít nhất 30% nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Trong trường hợp lưu trữ pin có thể được tích hợp, mục tiêu là đạt 50% nguồn điện năng là năng lượng tái tạo và nếu có cơ hội kết nối với một dự án điện gió ngoài khơi, máy phát điện sinh khối hoặc nhà máy LNG, mục tiêu sẽ là 100% năng lượng tái tạo. DEEP C quyết tâm tiếp tục đi theo con đường này hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 và sẽ đảm bảo thu hút khách thuê đồng hành.

Với xu thế chung của thế giới, nhà đầu tư nước ngoài đang chủ động chuyển đổi xanh để kinh doanh có trách nhiệm và sản xuất các sản phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia phát triển, ngày càng đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn môi trường, giảm thiểu dấu vết các bon trong sản phẩm. Việc Việt Nam có cam kết mạnh mẽ tại COP26 (đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050) được nhà đầu tư đánh giá rất cao, nhưng vẫn cần có thêm nhiều hành động cụ thể và kịp thời.

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng, các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này. Trong thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng.

Việc hành động kịp thời, có cơ chế chính sách để đạt được cam kết tại COP26 không chỉ giúp Việt Nam giữ chân nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển, mà còn chớp cơ hội đón dòng vốn rất lớn vào lĩnh vực này.

Tại Lễ công bố báo cáo kinh tế Việt Nam của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 26/4/2023, ông Vincent Koen - Phó Vụ trưởng của OECD chia sẻ, chi phí đầu tư cho chuyển đổi xanh là không nhỏ, nhưng chi phí của không đầu tư, không hành động còn cao hơn rất nhiều, dù khó để lượng hóa. Nếu không hành động sẽ làm tăng thảm họa thiên tai, lũ lụt… và tốn kém chi phí để khắc phục. Sớm muộn cũng phải chuyển đổi xanh, thực hiện càng sớm càng mang lại nhiều lợi ích.

Ông Vincent Koen cho biết, nhiều quốc gia châu Âu cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với Thỏa thuận xanh châu Âu. Châu Âu có hàng trăm tỷ euro để phân bổ cho chuyển đổi xanh và các nước châu Âu đang cần giải ngân theo đúng kế hoạch. Việc đi trước đón đầu có thể giúp thu hút nhà đầu tư châu Âu với những khoản đầu tư rất lớn cho lĩnh vực này.

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, các doanh nghiệp thành viên Amcham luôn đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường và đi đầu ủng hộ nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Việc phê duyệt sớm Chương trình thí điểm hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) sẽ mở ra hàng tỷ USD đầu tư, đặc biệt từ các ngành công nghiệp mà các công ty đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo, giảm các bon và phát triển bền vững.

Khu công nghiệp Deep C đang thực hiện chương trình chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng. Ảnh: Trần Sơn

Khu công nghiệp Deep C đang thực hiện chương trình chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng. Ảnh: Trần Sơn

Gỡ rào cản để hấp thụ dòng vốn

Nguồn lực sẵn sàng đầu tư cho chuyển đổi xanh rất lớn, nhưng theo ông Vincent Koen, Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện pháp lý thuận lợi cho các khoản đầu tư này. Đồng thời, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ cần duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Có thể đạt được điều này thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, và Chính phủ không thể đơn phương hành động mà phải có sự tham gia của tư nhân.

OECD khuyến nghị, Chính phủ cần có một chính sách toàn diện để chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp. Áp dụng một chiến lược khí hậu rõ ràng và có thể dự báo, với các mục tiêu dài hạn nhất quán, đặc biệt liên quan tới phát thải khí nhà kính và cải cách lĩnh vực năng lượng. Ngừng đầu tư các nhà máy nhiệt điện than mới theo kế hoạch và tăng cường ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi.

Theo ông Gabor Fluit, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII. Các hợp đồng mua bán điện trực tiếp nên được thực hiện để khuyến khích nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp nên được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU.

Lãnh đạo LEGO Manufacturing Việt Nam đề xuất, đối với các nhà đầu tư nước ngoài cam kết giảm lượng khí thải các bon và muốn đầu tư phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Chính phủ nên hỗ trợ các công ty sẵn sàng đầu tư vào năng lượng xanh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Nhiều nhà đầu tư cũng kiến nghị xây dựng các quy định bắt buộc và khuyến khích phát triển công trình xanh, khắc phuc những rào cản như thiếu hỗ trợ đầy đủ về chính sách, thiếu chuyên gia về công trình xanh và chi phí đầu tư ban đầu cao.

Chuyên đề